Gần 96% người dân Yên Phong có hồ sơ sức khỏe điện tử phiên bản 2

28/03/2024 16:14 Số lượt xem: 796
Năm 2018, Bắc Ninh đã hoàn tất công tác khám lập và quản lý hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử với trên 93% người dân có hồ sơ phiên bản 1. Thực hiện Đề án 06, triển khai nền tảng HSSK năm 2023 trên cơ sở dữ liệu HSSK được lấy số căn cước công dân (CCCD) làm mã định danh, Yên Phong được Sở Y tế chỉ đạo triển khai thí điểm nền tảng HSSK phiên bản 2 từ tháng 7/2023, đến nay, 95,92% người dân có HSSK phiên bản 2.

Kho dữ liệu HSSK hiện gồm 2 trường thông tin là “Thông tin hành chính” và “Thông tin sức khỏe”. Để rà soát “Thông tin hành chính” của 171.042 nhân khẩu trên địa bàn huyện là khối lượng công việc vô cùng lớn đối với các Trạm Y tế bởi mỗi Trạm chỉ có 1 cán bộ phụ trách công tác quản lý HSSK điện tử. Vì vậy, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Phong đã bố trí, sắp xếp nhân lực hỗ trợ, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện cung cấp thông tin giúp hoạt động này đạt hiệu quả.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Trung cập nhật thông tin lên HSSK điện tử phiên bản 2 cho người dân khi đưa trẻ đến Trạm Y tế tiêm chủng mở rộng.

 

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chị Nguyễn Thúy Hường, Trạm Y tế xã Yên Trung (Yên Phong) cho biết, để cập nhật thông tin số điện thoại, không phải 100% người dân đều có số theo định danh. Những người già, trẻ nhỏ chưa sử dụng điện thoại phải dùng 1 số điện thoại của người thân đại diện. Về mã thẻ bảo hiểm y tế, hiện tỉ lệ bao phủ chưa đạt 100% nên còn một bộ phận người dân chưa có thông tin về bảo hiểm. Cùng với rà soát, cán bộ y tế thực hiện tuyên truyền, giải thích về quyền và lợi ích khi người dân mua bảo hiểm y tế, từ đó vận động người dân tham gia đầy đủ. Ngoài ra, Trạm Y tế cũng phải huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để có kinh phí in ấn, photo tài liệu phục vụ việc rà soát tới từng hộ gia đình. Mặt khác, hiện nay, một lượng lớn người dân trên địa bàn đang trong độ tuổi đi làm, cán bộ y tế phải đến điều tra vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Việc nhập liệu, cập nhật lên phần mềm, chủ yếu được tranh thủ làm buổi trưa hoặc buổi tối khi không có bệnh nhân khám, chữa bệnh.

Để cập nhật trường “Thông tin sức khỏe”, cán bộ chuyên trách cũng phải khai thác, trích xuất thông tin sức khỏe của từng công dân từ rất nhiều nguồn. Có thể kể đến là phần mềm quản lý bệnh mạn tính, phần mềm khám chữa bệnh bảo hiểm, bệnh truyền nhiễm, phần mềm tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng COVID, khám sức khỏe học đường, khám sức khỏe người cao tuổi, uống vitamin A… Từ các nguồn thông tin này, cán bộ y tế sẽ thống kê, cập nhật thông tin của từng người dân vào trường “Thông tin sức khỏe”, sao cho càng đầy đủ, chi tiết càng tốt. Theo số liệu thống kê của TTYT, hiện đã có 97.21% người dân được khám tạo lập hồ sơ sức khỏe.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng khoa Y tế công cộng – Dinh dưỡng – ATTP, TTYT huyện Yên Phong, ở phiên bản HSSK điện tử nâng cao này có sự kết nối, liên thông 2 chiều giữa HSSK với Bệnh án điện tử được triển khai tại TTYT huyện Yên Phong, mang lại những lợi ích thiết thực. Cụ thể, khi người dân đến khám bệnh tại TTYT huyện Yên Phong, các bác sĩ của Trung tâm có thể căn cứ trên thông tin sức khỏe tại HSSK điện tử của người bệnh để có thêm dữ liệu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Song song với đó, kết quả khám chữa bệnh tại TTYT được tự động cập nhật lên hệ thống HSSK điện tử và lưu trữ thành lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh đến suốt đời.

Mặc dù đã có 95,92% người dân được quản lý HSSK phiên bản 2, nhưng đây mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa cập nhật chi tiết, đầy đủ thông tin sức khỏe. Còn nhiều các chỉ số cần bổ sung như nhóm máu, thông tin về tim mạch, nội khoa. Việc bổ sung những thông tin này cần thời gian, nhân lực, sự hỗ trợ, kết nối từ nhiều cơ quan. Vì vậy, TTYT huyện Yên Phong đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai và phối hợp thực hiện để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 2024 và những năm tiếp theo, TTYT huyện Yên Phong tiếp tục chỉ đạo tuyến y tế cơ sở cập nhật các thông tin còn lại của người dân lên HSSK điện tử. Đồng thời, phối hợp với Viettel trích nhập toàn bộ danh sách còn thiếu lên hệ thống hồ sơ. Đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp phần mềm, tiếp tục liên thông với toàn bộ các phần mềm khám, chữa bệnh tại trung tâm cũng như các chương trình khám quản lí bệnh mạn tính, tiêm chủng để cung cấp cho người dân ứng dụng (app) trên điện thoại giúp người dân chủ động quản lý, sử dụng HSSK điện tử của bản thân mình trong thời gian sớm nhất.

HSSK điện tử là bản tin học hóa của HSSK được thiết lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. Mỗi người dân có một HSSK điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời. Dữ liệu về thông tin hành chính, định danh, dữ liệu sức khỏe của người dân sẽ được chuẩn hóa và liên tục cập nhật. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của ngành Y tế trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu hướng tới mục tiêu 100% người dân Bắc Ninh được định danh bằng số CCCD và được cập nhật lên hệ thống HSSK điện tử phiên bản 2.

Nguyễn Oanh

Y tế