Cẩn trọng với bệnh dịch thời điểm giao mùa

07/10/2024 19:39 Số lượt xem: 100
Thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay thuận lợi cho vi-rút gây bệnh tay - chân - miệng phát triển mạnh. Do vậy, các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tại các trường Mầm non, Tiểu học thời gian đầu năm học là rất quan trọng.

Với triệu chứng của con gái 5 tuổi bị đau đầu, sốt, nôn, chị Tạ Thị Huế ở phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) được hiệu thuốc gần nhà bán cho hạ sốt và thuốc tiêu hóa, tuy nhiên, sau khi uống, con không đỡ. Lo lắng, chị Huế đưa con vào khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ cháu viêm màng não nên cho nhập viện và được làm xét nghiệm dịch não tủy, kết quả đúng như chẩn đoán. Sau 5 ngày điều trị, cháu bé đã tỉnh táo, khỏe khoắn hơn và chơi đùa.

 

Sức khỏe một bệnh nhi viêm màng não tiến triển tốt sau điều trị 5 ngày tại Bệnh viện Sản - Nhi.

 

Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hóa Nhi, khoa điều trị các ca mắc viêm màng não rải rác từ đầu năm, song bước sang tháng 9 có dấu hiệu tăng cao. “Thông thường, mỗi năm khoa tiếp nhận từ 10-15 ca, thì chỉ riêng tháng 9 năm nay đã ghi nhận 7 ca,  một nửa của cả năm cộng lại. Có ngày tại khoa điều trị cho 5 bệnh nhi viêm màng não và có hai ca nặng phải chuyển tuyến trên do cần phải can thiệp phẫu thuật hoặc nhiễm loại vi khuẩn kháng thuốc. Độ tuổi mắc của trẻ rất đa dạng, trẻ nhỏ nhất mới chỉ 40 ngày tuổi, bệnh nhi lớn nhất 11 tuổi” - bác sĩ Hương cho biết.
Viêm màng não là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao và thường để lại di chứng lâu dài nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hậu quả viêm màng não ở trẻ em rất nặng nề, trẻ có nguy cơ gánh chịu di chứng về não bộ và hệ thần kinh vĩnh viễn, liệt cơ, suy giảm thính lực, thị lực, suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức, thậm chí tử vong.  Theo Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hóa Nhi: Ở trẻ lớn, triệu chứng viêm màng não thường gặp là đau đầu, nôn nhiều, sợ ánh sáng, cứng cổ…; ở trẻ nhỏ là sốt, quấy khóc, khó chịu, nôn mửa, bỏ bú, đau đầu, co giật… Điều đáng nói là các biểu hiện phổ biến của bệnh trong giai đoạn đầu như: Đau đầu, nôn, sốt rất dễ bị bỏ qua do giống với một số bệnh do nhiễm virus như sốt virus, cúm… “Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm màng não. Trường hợp bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn, sẽ được điều kháng sinh, giảm viêm, chống phù não, giảm áp lực nội sọ, chống co giật, kiềm toan…” - bác sĩ Hương nói thêm.
Viêm màng não bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là do vi khuẩn và do virus. Các tác nhân gây bệnh viêm màng não thường có trong những chất tiết ra từ đường hô hấp. Người khỏe mạnh hít phải chất tiết này khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi có khả năng mắc bệnh. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi tiếp xúc qua da, khi người lành dùng chung các đồ vật hàng ngày như ly chén… với người bệnh.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương khuyến cáo, cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Biện pháp phòng lây nhiễm và tránh được lây nhiễm cho cộng đồng đơn giản, hiệu quả nhất đối với các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung, bệnh viêm màng não nói riêng vẫn là đeo khẩu trang nơi đông người, sát khuẩn tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng nhà cửa. Ngay khi có triệu chứng đau đầu, nôn, cứng cổ, sốt cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cũng liên quan đến các dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát thời điểm giao mùa thu - đông với sự thay đổi thời tiết liên tục, bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm cũng lưu ý người dân về việc chủ động phòng ngừa những bệnh trẻ dễ mắc như: Tay - chân - miệng, ho gà, sởi, sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến cuối tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận 32 ca sốt phát ban nghi Sởi/Rubella, tất cả các trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 5 trường hợp dương tính Sởi. Số ca ho gà cộng dồn là 26 ca, mắc rải rác ở 25 xã/phường thuộc 8/8 huyện/thị xã/thành phố, trong đó 10/26 ca mắc chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh, 9/26 ca mắc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh. Toàn tỉnh cũng ghi nhận tổng số 356 ca mắc/nghi mắc Tay - chân - miệng và 91 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết.
Các bác sĩ y tế dự phòng nhận định, do khó khăn trong công tác tiêm chủng ở giai đoạn dịch COVID-19 và gián đoạn cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 nên các bệnh dự phòng được bằng vắc xin như bạch hầu, sởi, ho gà... có khả năng gia tăng trong năm 2024.
Số ca mắc ho gà ghi nhận năm 2024 tăng cao so các năm trước, các ca bệnh mắc rải rác, chưa tìm được nguồn lây, bệnh phân bố ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố và phần lớn tập trung ở nhóm trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Năm 2024 rơi vào chu kì 5 năm của dịch sởi, cuối tháng 8-2024, thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố dịch Sởi. Do vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các ổ dịch ho gà, sởi nếu không triển khai tốt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống.
Về sốt xuất huyết, thời tiết mưa bão trên diện rộng rất thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát rất cao. Tại một số tỉnh lân cận (Hải Phòng, Hà Nội) tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết trở về từ các địa phương đang có dịch.

Việt Hoa

Y tế