Kiểm soát tăng giá khi tăng lương

19/07/2024 19:24 Số lượt xem: 388
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1-7, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng từ 200-280 nghìn đồng. Đây là đợt cải cách tiền lương lớn, đem lại niềm vui đối với nhiều công nhân, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui là nỗi lo giá cả tăng theo lương, thậm chí tăng vượt mức tăng của lương sau mỗi đợt điều chỉnh lương như đã từng xảy ra. Bởi thế để đạt được hiệu quả của việc cải cách tiền lương, đang rất cần những giải pháp thật sự căn cơ để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, cho niềm vui tăng lương được trọn vẹn.

Để kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, bảo đảm đời sống người lao động và sự phát triển bền vững thì các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cần chung tay, góp sức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22-6-2024 và của tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Theo đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng tình hình cung ứng, biến động giá cả các chủng loại hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, nhất là các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhằm chủ động dự báo, tính toán để tham mưu với tỉnh và đề xuất với Trung ương về các biện pháp quản lý, bình ổn, bảo đảm các mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát để ra. Trên cơ sở đó, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, nhất là những mặt hàng thiết yếu như: lương thực thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng… Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về thu gom, tích trữ hàng hóa nhằm tăng giá thu lời bất chính và các hành vi tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Đối với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cần phải có chiến lược để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành sản phẩm để có thể ổn định giá, thậm chí là tăng cường khuyến mãi, giảm giá bán nhằm tăng năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Riêng những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm thì các cấp, ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra để kiểm soát, nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng.
Cùng với đó cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân cùng giám sát tình hình biến động giá cả, chung sức đấu tranh với những hành vi vi phạm, những thủ đoạn tăng giá bất hợp lý thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng mà Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định.
Tin rằng với các giải pháp được đồng bộ, hiệu quả và sự quyết liệt của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân thì chắc chắn việc “té nước theo mưa” tăng giá theo tăng lương sẽ giảm và việc tăng lương sẽ thực sự mang lại niềm vui, tạo động lực cho người lao động làm việc và cống hiến.

Lê Thanh

Diễn đàn công luận