Tượng đài của lòng chung thủy

18/10/2024 20:28 Số lượt xem: 300
Truyện cổ tích và tượng đá nàng Tô Thị ở Lạng Sơn từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ. Mỗi tác giả đều có những cảm xúc, cách thể hiện, cách đánh giá khác nhau hầu hết là ca ngợi lòng chung thủy sắt son của nàng. Nhà giáo, nhà thơ Hứa Vĩnh Hào, với cách nhìn truyền thống, ông ca ngợi lòng thủy chung của người phụ nữ đã trở thành tượng đài qua hàng nghìn năm trở thành “tấm gương trong vắt để đời soi chung” qua bài thơ “Tô Thị nhớ chồng” in trên Báo Bắc Ninh cuối tuần, ra ngày 28-9-2024.

Bài thơ có 24 câu lục bát có thể chia thành hai đoạn rõ ràng. Mười hai câu đầu là gợi lại câu chuyện nàng Tô Thị một cách xúc tích và nỗi nhớ chồng khôn nguôi của nàng.
Nào em có biết gì đâu
Sau chiều hôm ấy gội đầu cho em
Chàng buồn bã suốt ngày đêm
Rồi đi đầu lính tới miền quê xa.
Mẹ con em ở lại nhà
Chờ chàng đã mấy mùa hoa, vẫn chờ.
Ngày ngày ra ngẩn vào ngơ
Đêm đêm thổn thức bơ phờ tóc mai
Thân hình tiều tụy tàn phai
Thương chàng biển rộng, sông dài lênh đênh
Khi lên thác lúc xuống ghềnh
Đói no, ấm lạnh ai mình sẻ chia…

Câu chuyện bắt đầu khi người chồng nhận ra vợ mình lại chính là người em ruột qua vết sẹo trên đầu nên chàng buồn bã đau đớn và bỏ đi lính “Chàng buồn bã suốt ngày đêm/Rồi đi đầu lính tới miền quê xa”. Còn người vợ không biết được điều đó nên đinh ninh cho là người chồng của mình và nàng đã giữ lòng chung thủy chờ chàng trở về. Hóa thân vào người vợ nhà thơ đã khắc họa nỗi nhớ mong của người phụ nữ một cách sinh động “Ngày ngày ra ngẩn vào ngơ/Đêm đêm thổn thức bơ phờ tóc mai/Thân hình tiều tụy tàn phai/Thương chàng biển rộng sông dài lênh đênh”. Các điệp từ “ngày ngày”, “ đêm đêm” cho thấy thời gian nối tiếp thời gian. Các tính từ chỉ trạng thái, “ngẩn ngơ”, “thổn thức”, “bơ phờ”, “tiều tụy”, “tàn phai” gợi hình ảnh một người thiếu nữ nhớ thương chồng da diết đến mỏi mòn, đau đớn.
Kết thúc đoạn một cũng là khép lại mạch cảm xúc nỗi nhớ thương mỏi mòn, tiều tụy của nàng. Mười hai câu tiếp theo là một mạch cảm xúc mới của nhà thơ, khai thác một khía cạnh mới của câu chuyện cổ.
Nhớ đêm hôm ấy trời khuya
Bồng con lên núi trông về biển Đông
Mắt em chỉ thấy mênh mông
Thấy mây, thấy nước mà không thấy chàng
Bỗng nhiên gió giật, sấm vang
Hàng ngàn tia chớp sáng choang bầu trời.
Mưa như đổ cả núi đồi
Cái đêm định mệnh cho người hóa thân.
Sáng ra ngũ sắc vây quanh
Mẹ con thành đá long lanh, sáng ngời
Tình yêu chung thủy tuyệt vời
Như gương trong vắt để đời soi chung.

Bằng trí tưởng tượng phong phú đầy sáng tạo kết hợp với biện pháp tu từ cường điệu, so sánh, nhà thơ miêu tả sự hóa thân thành tượng đá của nàng một cách kì diệu, thần kì trong một bối cảnh thiên nhiên kinh thiên động địa: Gió, mưa, sấm, chớp dữ dội. “Bỗng nhiên gió giật sấm vang/Hàng ngàn tia chớp sáng choang bầu trời/Mưa như đổ cả núi đồi/Cái đêm định mệnh cho người hóa thân”. Dường như lòng chung thủy của nàng đã thấu đến cả thiên nhiên đất trời. Lòng chung thủy ấy như được ghi nhận và nàng hóa thân như là một ân huệ mà thiên nhiên tạo hóa ban tặng. Có phải chính thiên nhiên tạo hóa đã tạc tượng nàng để nàng trở nên rực rỡ, long lanh ,sáng ngời “Sáng ra ngũ sắc vây quanh/Mẹ con thành đá long lanh sáng ngời”. Nàng đã trở thành tượng đài của lòng thủy chung son sắt trong tình yêu lứa đôi trong tình cảm vợ chồng. “Tình yêu chung thủy tuyệt vời/Như gương trong vắt để đời soi chung”. Nàng không còn sống cuộc đời thực của một con người mà sống trong tình cảm, trong tiềm thức của nhân loại.
Nhà giáo Hứa Vĩnh Hào làm thơ chưa nhiều nhưng gần đây thơ ông đều đều xuất hiện trên Báo Bắc Ninh cuối tuần. Đề tài trong thơ ông khá phong phú nhưng có lẽ ông say mê với đề tài cổ tích, những nhân vật cổ tích như: Nàng Bân, Ngưu Lang, Chức Nữ, Từ Thức, Tô Thị trong các bài: Mưa ngâu, Nàng Bân, Từ Thức nhớ quê và Tô Thị nhớ chồng. Những nhân vật này trong thơ ông dù là người đời hay thần tiên đều mang trong mình những phẩm chất đáng yêu, đều là những tấm gương điển hình về mặt nào đó ví như phẩm chất thủy chung son sắt của nàng Tô Thị.
Dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đi qua biết bao cuộc chống xâm lăng, biết bao những người thanh niên, người chồng phải xa gia đình, xa vợ con chinh chiến, trận mạc. Lòng chung thủy của người phụ nữ với người mình yêu, với chồng là một động lực mạnh mẽ để họ chiến đấu giành độc lập, tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho toàn dân như ngày hôm nay.

Nguyễn Đức Ngọc