Một thời nhớ điếm canh đê

28/10/2024 10:22 Số lượt xem: 71
Vậy là bão đã tan, mưa đã ngớt, không còn những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng đi qua các bản, làng như nhiều ngày trước nữa. Mưa lũ để lại những cánh đồng trồng dâu chăn tằm làng tôi một lớp bùn đỏ quạch từ phía thượng nguồn. Những chiếc lá dâu mới hôm nào xanh non mơn mởn, sau trận lũ lịch sử đã bắt đầu úa tàn và thi nhau rụng xuống như lá mùa thu. Phía bên kia là cánh đồng hoa đào chuẩn bị cho dịp tết cũng bị bão đánh tan hoang, những gốc đào cổ thụ do bị úng nước lâu ngày nằm phơi mình chết khô trên bãi cạn khi nước rút. Chiều nay đưa cô con gái nhỏ qua sông về làng, gặp mấy bà, mấy chị đang ngồi lau mồ hôi bên chiếc điếm canh đê trong cái nắng oi ả cuối ngày, trong lòng chợt rưng rưng bao kỷ niệm về điếm canh đê mùa lũ.

Làng tôi nằm dọc bờ đê của một huyện thuộc vùng chiêm trũng, quanh năm “chiêm khê, mùa thối”. Vụ chiêm thì khô hạn, thiếu nước, vụ mùa thì mưa bão nhiều nên cây cối, hoa màu hay bị thối gốc do bị ngập úng. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì được mùa. Năm nào lũ lụt mất mùa thì các bà, các mẹ làng tôi lại đọc câu thành ngữ “Phải năm mùa thối, chiêm khê / đừng mong lúa chín gặt về sây bông”. Có lẽ, chính vì hằng năm có hàng chục cơn bão đi qua nên chính quyền mới cho xây dựng các điếm canh đê dọc bờ sông. Điếm canh thực sự phát huy tác dụng trong mùa mưa bão. Làng có cả một đội gồm những thanh niên nam, nữ khỏe mạnh tham gia tuần tra, canh gác, hỗ trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Mỗi lần nước sông dâng cao, điếm canh lại là nơi tập kết vật liệu như xuồng, bè, tre, nứa và các vật dụng như cuốc, xẻng, gạch đá, cát sỏi để dân làng hộ đê nơi những điểm xung yếu.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi học về lũ trẻ làng lại để cặp sách, quần áo trong điếm canh và chạy ào xuống bãi bồi đá bóng. Điếm canh cũng như một ngôi nhà nhỏ, là điểm hẹn hò của nam thanh, nữ tú làng tôi trong những đêm trăng thanh, gió mát. Điếm canh có từ bao giờ tôi cũng không biết nữa, chỉ biết nó được xây dựng từ rất lâu rồi. Đa phần các điếm canh bị bỏ hoang, tường vôi bong tróc, loang lổ. Chỉ khi con nước về mới thấy người canh gác. Có lẽ, duy nhất chiếc điếm canh làng tôi là thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng. Bà tôi kể, đó là một người đàn ông trong làng không có gia đình, xung phong đứng ra làm việc bảo vệ điếm canh không cho trâu, bò vào phá hoại. Các cánh cửa sổ, cửa ra vào được ông sửa chữa chắc chắn và sơn lại. Hằng ngày cửa đóng then cài và chìa khóa được gửi cho bà cụ bán hàng nước gần bến đò. Mỗi lần có việc, bà cụ lại lật đật sang mở cửa phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão của làng. Nhiều người trong làng kể rằng, ngày xưa người đàn ông đó yêu một cô gái thanh niên xung phong, họ từng hẹn hò và có biết bao kỷ niệm trong những đêm trăng sáng trên bờ đê và nơi cái điếm canh ấy. Cô gái đi vào chiến trường được hai năm thì hy sinh anh dũng trong một loạt bom tọa độ. Đã nhiều lần người đàn ông ấy và gia đình cô gái đi vào chiến trường nhưng chưa tìm được phần mộ. Trở về, người đàn ông sống lầm lũi bên bãi bồi và xin được tham gia đội phòng, chống bão lũ. Đồng thời xin được giữ gìn, duy tu điếm canh như một kỷ niệm. Thật xúc động khi cuộc đời này còn có những con người và những mối tình thủy chung như thế.
Đã nhiều lần qua bến đò ngang, tôi nhớ bà cụ bán nước nơi bến đò hay nói: “Giữ đê là giữ lấy làng con ạ. Dân làng ta vẫn hay nói, nếu “lụt thì lút cả làng”. Còn lụt thì còn đói, cho nên giữ đê như giữ làng. Bà bán nước ở đây nhiều năm rồi, nhưng hiếm có năm nào nước lũ lại to như năm nay”. Tôi thưa với bà, thiên tai, bão lũ phải chăng cũng là sự thử thách của cuộc sống, vì trong mưa bão mới thấy hết được tình người. Đã có rất nhiều vòng tay dang rộng ra với đồng bào, tiếp sức lực, tinh thần, vật chất trong hành trình vượt qua hoạn nạn, đó phải chăng chính là đạo lý, truyền thống của người Việt bao đời nay ạ. Rõ ràng, cuộc sống không chỉ có những vui, buồn. Cuộc sống còn có quá nhiều bất trắc, rủi ro như lũ ống, lũ quét, sạt lở núi rừng ngày đêm rình rập. Con người phải cố gắng bằng tất cả năng lực, tương trợ, gánh vác cùng nhau mới có thể đi qua những mùa mưa lũ.
Trở về quê lần này, nhìn những điếm canh nằm ven đê đã bị xuống cấp trầm trọng, nhiều cái không còn cửa được rào tạm bằng những búi tre gai chặt vội ở bến sông. Chợt nghĩ, một ngày nào đó không còn những điếm canh đê cũng như mất đi một nét văn hóa của làng. Nhiều điếm canh lâu ngày nứt vỡ, mốc meo không được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trông thật cám cảnh. Tuyến đường quốc lộ cạnh làng tôi đang mở rộng và cũng lấy đi nhiều điếm canh chạy dọc bờ sông. Có thể sau này chính quyền sẽ cho xây mới và có những quản lý chặt chẽ từ chi cục thủy lợi. Niềm mong mỏi nhất của người dân là những điếm canh đê được hoàn trả sau mở đường, có những cảnh báo từ điếm canh để hạn chế bớt được thiệt hại phần nào từ mưa lũ. Đúng như lời bà cụ vẫn nói “giữ đê là giữ lấy làng”. Giữ làng là giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân và cho chính mình.

Đinh Tiến Hải