Đặt mình vào vị trí của người khác

25/10/2024 16:45 Số lượt xem: 55
Sinh ra trên đời chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi tính cách, mỗi điều kiện, hoàn cảnh nên để có thể chung sống hòa thuận hay cùng làm việc vui vẻ đòi hỏi sự quan tâm, hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Trong các mối quan hệ, khi phát sinh mâu thuẫn đều cần nỗ lực từ cả hai phía và mỗi người cần đặt mình vào vị trí của đối phương để nhìn nhận, đánh giá, ứng xử.

 

Sinh ra trên đời chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi tính cách, mỗi điều kiện, hoàn cảnh nên để có thể chung sống hòa thuận hay cùng làm việc vui vẻ đòi hỏi sự quan tâm, hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Trong các mối quan hệ, khi phát sinh mâu thuẫn đều cần nỗ lực từ cả hai phía và mỗi người cần đặt mình vào vị trí của đối phương để nhìn nhận, đánh giá, ứng xử.
Thuở nhỏ, có một khoảng thời gian khá dài, tôi sống ở nhà ông bà nội để tiện cho việc học hành do bố tôi thường xuyên đi công tác xa, mẹ và hai em sống ở khu tập thể nhà máy cách nhà ông bà gần chục cây số. Mỗi khi có việc gì ở trường lớp hay khúc mắc với bạn bè tôi thường về nhà hỏi ông. Năm tôi học lớp 3, gần hết học kỳ 1 thì xảy ra chuyện với một bạn nam trong lớp - bố mẹ bạn ra tòa ly hôn. Thời ấy (cách đây hơn 40 năm), với hầu hết mọi người, nhất là bọn trẻ con chúng tôi thì ly hôn là một việc kinh khủng. Đang từ một học sinh ngoan, học giỏi, bạn nam ấy bê trễ học hành, suốt ngày phá phách, gây sự với các bạn khiến cô chủ nhiệm liên tục phải mời phụ huynh đến trường. Thương bạn, tôi mang chuyện về nhà kể với ông và trách bố mẹ bạn không thương con. Nghe tôi kể, ông nội nói với tôi: “Con còn nhỏ, có những chuyện con chưa thể hiểu được, người ta làm việc gì cũng đều có nguyên nhân. Việc con có thể làm bây giờ là hãy cùng với các bạn trong lớp tìm cách gần gũi, động viên để bạn dần chấp nhận hoàn cảnh, tiếp tục chăm chỉ học hành”. Ông còn dặn tôi: “Trong mọi việc, con đừng bao giờ vội phán xét, đánh giá, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận, ứng xử cho phù hợp”.  
Nhớ năm tôi học lớp 5, chủ nhiệm lớp tôi là một cô giáo rất trẻ, mới ra trường đi dạy vài năm. Cô nhỏ nhắn, duyên dáng, dạy rất hay và hết lòng vì học trò. Lớp tôi ai cũng yêu quý cô. Vào học kỳ hai chưa lâu thì cả trường xôn xao chuyện cô giáo tôi chuẩn bị cưới. Nghe nói đám cưới không được bố mẹ cô chấp thuận vì người yêu hơn cô rất nhiều tuổi và đã có một đời vợ với hai người con đã lớn. Dẫu không được bố mẹ chúc phúc nhưng cô vẫn kiên quyết kết hôn với người đàn ông ấy. Nghe chuyện của người lớn, nhiều bạn lớp tôi không khỏi buồn và thất vọng về cô chủ nhiệm. Với trí óc non nớt khi ấy, tôi không thể hiểu quyết định của cô giáo, nhưng nhớ tới lời ông nội, tôi không buồn vì chuyện riêng của cô mà chỉ thấy cô thật dũng cảm. Sau này, được biết cô sống rất hạnh phúc với người chồng lớn tuổi của mình và bố mẹ cô cũng đã nguôi giận, rất thương cháu ngoại và con rể.
Lời dạy của ông “hãy đặt mình vào vị trí của người khác”qua thời gian tôi càng thấm ý nghĩa và giá trị. Đặt mình vào vị trí của người khác là nhìn nhận, đánh giá, cảm thông, thấu hiểu tính cách, lời nói, hành động, việc làm… của người khác như là nhìn nhận, đánh giá, cảm thông, thấu hiểu chính bản thân mình. Nghe thì đơn giản nhưng không dễ thực hiện, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Luôn đặt mình vào vị trí của người khác, nếu ở vị trí đó, bạn thấy đau, khó chịu, bị tổn thương… thì có lẽ người kia cũng cảm thấy như vậy. Thế nên, trước khi làm một việc gì đó hoặc định phán xét ai đó, mỗi chúng ta hãy đặt mình vào vị trí người khác để tránh gây tổn thương và xung đột. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nhiều điều tử tế hơn nếu ai cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác, phải vậy không? Ai cũng có “cái tôi” nhưng hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử. Hay như lời dạy của đức Khổng Tử “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - điều mà mình không muốn, chớ làm với người khác.

Chi Mai