Phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

01/04/2024 20:01 Số lượt xem: 578
75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ở nước ta, có 5 bệnh lây truyền từ động vật được xác định ưu tiên, gồm: Cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da. Những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra, trong đó bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong do dại, 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3,4 và 8, tỉ lê trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc ghi nhận 27 ca mắc và tử vong do dại, tăng 16 ca so cùng kỳ 2023, 16/63 địa phương có ca bệnh dại. 100% số ca tử vong do dại do không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.
Bệnh dại gây ảnh hưởng lớn về sức khoẻ, gây chết người nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với bình quân có 70 người chết vì bệnh dại mỗi năm dù đã có vắc-xin cho cả người và động vật. Bệnh dại còn gây thiệt hại lớn về kinh tế khi tiêu tốn 800 tỷ/ năm chỉ riêng cho vắc-xin và huyết thanh kháng dại cho người, chưa kể gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.
Đối với bệnh cúm gia cầm trên người, ghi nhận lần đầu vào năm 2023, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, trong đó cao điểm nhất là 2004-2009, ghi nhận 112 trường hợp bệnh, trong đó có 57 ca tử vong. Luỹ tích đến nay, cả nước ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong, tỉ lệ tử vong tương đương 50%. Bệnh cúm gia cầm trên người chưa có vắc-xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, thường diễn tiến nặng và tỉ lệ tử vong cao. Nguy cơ đại dịch tiếp diễn do khả năng lây lan giữa động vật và người được xác nhận, sự gia tăng ca mắc Cúm A (H5N1) trên người ở trong nước và một số quốc gia láng giềng như: Campuchia, Trung Quốc.

 

Xử lý tốt ổ dịch cúm gia cầm là một trong những giải pháp hiệu quả ngăn ngừa lây lan sang người.


Giai đoạn 2004-2006, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 3 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó 1 ca tử vong, từ 2006 đến nay trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp cúm A/H5N1. Về bệnh dại, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2 ca tử vong do dại, một ca năm 2008 tại xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du), bệnh nhân không tiêm vắc-xin phòng dại sau khi chăm sóc chó ốm mới mua ở chợ về. Sau hơn 10 năm không ghi nhận ca bệnh nào trên địa bàn tỉnh, đến năm 2022 đã ghi nhận 1 ca tử vong tại xã Trung Chính (huyện Lương Tài), bệnh nhân không tiêm vắc-xin và huyết thanh dại sau khi bị chó cắn. Năm 2023, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh than, xoắn khuẩn vàng da; tháng 12-2023 ghi nhận 1 ca mắc liên cầu lợn tại phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh than, xoắn khuẩn vàng da, liên cầu lợn.
Số liệu tổng hợp từ các phòng tiêm vắc-xin dịch vụ thuộc các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, mỗi năm có khoảng từ 5.000-7.000 mũi tiêm phòng dại được tiêm. Cụ thể, trong năm 2021 tiêm 4.588 mũi, năm 2022 tiêm 5.533 mùi, năm 2023 tiêm 7.021 mũi, 2 tháng đầu năm 2024 đã tiêm tổng số 1.023 mũi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm và bệnh dại chó, mèo. Năm 2024, ngày 10-1, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 ổ bệnh cúm gia cầm A/H5N1 tại một hộ gia đình ở thôn Thống Thượng, xã Việt Thống (thị xã Quế Võ) làm 800 con gia cầm (20 con gà, 780 con ngan) mắc bệnh, chết buộc tiêu huỷ với tổng trọng lượng 2.800 kg.  
Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân tích thêm: Vắc-xin phòng bệnh dại phát huy tốt hiệu quả nếu được tiêm sớm, tiêm đủ mũi. Tuy nhiên, có một thực tế là một số người dân e ngại việc tiêm vắc xin phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận. Giá vắc-xin phòng dại tương đối cao (khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo. Nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, trẻ em khi bị chó cắn thường không nói với gia đình…
Có một thực trạng gây nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người là việc chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế nên chưa chủ động khai báo khi nhập mới gia súc, gia cầm; chưa chấp  hành nghiêm túc việc tiêm phòng và công tác vệ sinh phòng dịch. Các địa phương chưa tổ chức được việc xử lý chó, mèo thả rông nơi công cộng, dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người…
Ngành Y tế khuyến cáo người dân nên tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Để phòng bệnh dại, người dân cần thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về quản lý đàn chó, mèo (tiêm phòng cho chó, mèo; không thả rông…). Khi không may bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn phải xử lý vết thương đúng cách, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng sớm nhất. Để phòng tránh bệnh cúm gia cầm lây sang người, do chưa có vắc-xin phòng dịch, khi tiếp xúc với gia cầm có bảo hộ, tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, bảo đảm ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Việt Hoa

Y tế