Thói quen thời thơ ấu

07/06/2024 17:19 Số lượt xem: 282
Hồi còn nhỏ cho tới lớn, mỗi lần gặp chuyện buồn chán, tôi hay có thói quen nhìn sang những người khó, khổ, bệnh xung quanh để tự an ủi mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Lúc đó, tôi nghĩ mình thật yếu ớt, chẳng có tí nghị lực nào, toàn tự ru ngủ mình. Đến khi trưởng thành rất lâu, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách nào hay hơn thói quen hình thành từ thời con nít đã ăn sâu vào máu mỗi khi gặp điều bất như ý.

Ngày xưa, gần nhà tôi có một cô sinh 3 đứa con thì 2 bé bị down (thiểu năng trí tuệ), một hôm thấy cô buồn tôi động viên “Cháu thấy hai em may mắn thật vì những trẻ bị down cháu gặp, ít bé nào biết tươi cười lễ phép chào hỏi từ xa như em nhà mình, tuy không đi học, không biết chữ mà ngoan ngoãn, biết giúp cha mẹ việc vặt, thật là hạnh phúc. So với những cô bác có con cái mạnh khỏe, lành lặn mà hư hỏng thì các em đúng là món quà đáng yêu “. Cô đó tự nhiên ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, bảo từ khi hai đứa con khuyết tật của cô ra đời, ai ai cũng khinh chê ái ngại hoặc thương hại, chưa từng có lời nào chúc phúc nào đẹp như vậy. Lúc ấy tôi cũng ngớ người ra, nghĩ mình chỉ vận dụng tư tưởng yếu đuối của mình để an ủi cô, không ngờ lại “hiệu nghiệm”, giúp cô vui vẻ trở lại.

 


Một lần, gặp một bà lão xin ăn, tôi lấy cơm cho bà, tiện thể hỏi thăm hoàn cảnh, sức khỏe. Bà than quê hương mất mùa, con cái nghèo khổ, cháu chắt nheo nhóc, tôi an ủi “Dạ còn người còn của bà à, tuy mình có nghèo một chút nhưng bà xem, ông bà và các anh chị, con cháu đều còn mạnh khỏe, đi làm ăn xa rồi lại về đoàn tụ bên nhau, còn hơn nhiều gia đình có người thân bệnh tật qua đời, thân bệnh tâm cũng bệnh, có của ăn của để đấy mà muốn thấy nhau nữa cũng không được nữa”. Bà nghe xong phấn chấn hẳn lên, bà cảm ơn tôi, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.
Những năm làm ăn khó khăn, người thân trong gia đình tôi vì tin tưởng mà cho bạn vay nợ, số tiền lúc đó gần mua được một căn nhà trong ngõ, đòi lên đòi xuống, năn nỉ mãi cũng vô ích, tôi lại phát huy “nghiệp vụ” được rèn luyện từ nhỏ động viên người thân “Thôi của đi thay người, lúc trước người ta từng tốt với mình, nay họ hẳn đường cùng rồi mới vậy. Biết là mình còn khó khổ, nhà còn chưa có ở, nhưng giờ có làm gì người ta cũng không giải quyết được gì. Coi như kiếp nào đó mình nợ họ, giờ họ đến đòi, vậy cũng coi như công bằng. Mong cho họ mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi để trả cho mình”. Thời gian cứ thế trôi, vài năm sau chúng tôi coi như quên chuyện cũ và không còn hy vọng đòi được món nợ thì bỗng một hôm, người bạn ấy gọi cho người thân tôi, nói tình hình của họ giờ tốt hơn rất nhiều, họ xin trả nợ dần, vài tháng một lần cho tới khi hết. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ vì một món đồ tưởng như đã mất, nay bỗng dưng người ta đem trả, chẳng khác nào nhận được quà.
Có rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong xã hội, họ là những người thầy về lòng can đảm đối với tôi. Có những giai đoạn cuộc đời, chúng ta gặp không ít thử thách, chướng ngại khiến ta buồn phiền, khổ não, vận đen đến liên tục, mọi thứ đều không như ý khiến ta bế tắc. Những lúc ấy ta hãy tập nhìn sâu và thấu hiểu kiếp nhân sinh... để thấy những khó khăn hứng chịu của mình so với họ chẳng là gì cả. Cách đây nhiều năm, tôi đã vô cùng cảm kích khi một người cha hiến toàn bộ da phần lưng và hai chân để bệnh viện tiến hành ghép da cho cô con gái không may bị bỏng nặng của mình; tình thương của người cha với con gái khiến tôi lặng đi, ông ấy nói ngay cả sinh mạng này ông có thể cho con thì chút đau đớn này có nghĩa lý gì. Lại có một người phụ nữ, gần 15 năm chị bỏ quê lên thuê nhà ở một xóm trọ nghèo của Hà Nội, ngày ngày bán trà nước trước cổng các bệnh viện lớn để nuôi các con học Đại học. Nhưng đằng sau nó mới là một sự bất ngờ: trong căn phòng tồi tàn ở xóm trọ đó, có một người đàn ông liệt nằm bất động đã 20 năm là chồng của chị. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh của anh, kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào đôi bàn tay của chị. Chị bán hàng từ sớm đến trưa xong là tất tả về cơm nước, vệ sinh cho chồng rồi đầu giờ chiều lại bươn chải mưu sinh. Nhìn chị  liêu xiêu khắc khổ mà vẫn chăm sóc, nói năng với chồng nhẹ nhàng yêu thương, tôi mới hiểu thế nào là một người phụ nữ kiên cường, phúc hậu. Những người bạn, người yêu, người thân, người thương bên nhau khi khỏe mạnh, đủ đầy chưa nói lên điều gì cả; khi cuộc sống xảy ra biến cố, khi chẳng may mất đi những thứ quyết định hạnh phúc của thế gian: tiền bạc, tuổi trẻ sức khỏe, nhan sắc, danh lợi, địa vị vv... lúc đó ta mới có thể nhìn thấy bản chất thực sự của nhân sinh.
Cảm ơn bài học nhỏ thời thơ ấu đã giúp tôi thêm chân cứng đá mềm, vượt qua những đoạn đường đời đẹp đẽ đầy ý nghĩa, có hoa thơm cỏ lạ, có gai của hoa hồng, bầu trời xanh đầy nắng gió và đá dăm dưới chân mình. Khi đã thấu hiểu quy luật của tạo hóa, của đất trời, ta tập mở lòng ôm lấy, thấu hiểu và yêu thương tất thảy.

Gia Bảo