Rơm vàng một thuở

14/06/2024 10:23 Số lượt xem: 218
Hôm nay trên chuyến xe buýt ra Hà nội thăm bạn bè thời sinh viên. Bất chợt tôi nghe được câu hát “Em đi giữa biển vàng/Nghe mênh mang trên đồng lúa hát...”. Ca từ giản dị một thuở say mê, như một chuyến đò để ngược bến sông đưa tôi trở về miền xưa cũ, về với mênh mang của cánh đồng đang nao nức trong mùa gặt.

Tôi lớn lên từ đồng ruộng, nơi xóm nhỏ nghèo luôn thơm hương lúa mỗi khi mùa về. Tuổi thơ gắn liền với cánh đồng lúa xanh ngát thân thương. Những buổi chiều, đi giữa cánh đồng hít hà hương lúa ngào ngạt... Bọn trẻ chúng tôi thường rút những đòng lúa ngậm sữa đầy hương thơm để ăn, thứ hương vị dân dã mà khó quên. Hương của lúa lúc này là sự pha trộn diệu kỳ của chút nắng gió, chút mưa và mồ hôi của người nông dân ngày ngày vất vả trên cánh đồng…
Ngày ấy, ở quê nhà nào cũng có “cây rơm”, nó gắn liền với tuổi thơ chúng tôi, là nơi khởi nguồn của rất nhiều kỷ niệm. Một trong những “thú vui” của tôi là được cùng bố mẹ xây nó. Bố lựa cây tre thẳng và to để làm trụ chính, chôn sâu ở góc vườn nhà, xung quanh chôn thêm khoảng 3 đến 5 trụ phụ nữa. Tôi được tham gia vào công cuộc xây cây rơm là lúc mới đầu, xếp những lớp rơm đều quanh cây trụ, rồi giẫm sao cho rơm nêm chặt vào. Lúc cây rơm cao quá đầu tôi thì tới lượt mẹ trao rơm, bố đứng trên cây dẫm, cứ thế tới lúc cây rơm cao tầm 2 mét, to tròn tầm 3 người lớn ôm không xuể.
Những buổi chiều tối đi chăn bò về, tôi lại ra cây rơm rút một bó thật to cho bò nhai trong đêm. Những nồi cơm được đun bằng rơm, vằn trong tro bếp bao giờ cũng thơm ngon đến tận cháy. Theo thời gian, cây rơm gầy dần và được thay thế khi vào vụ mới. Cây rơm cũng là nơi ưa thích của mấy chị gà mái làm tổ đẻ trứng. Có hôm đang chơi trốn tìm thì bỗng tôi thấy một ổ trứng hơn chục quả trong chiếc tổ tròn xinh ở góc cây rơm. Dưới gốc rơm mùa nồm ẩm, chỉ cần đi vòng quanh cũng kiếm được một bữa nấm rơm ngon ngọt…

 


Buổi tối, dưới ánh trăng, bọn trẻ rủ nhau chơi trốn tìm bên những ụ rơm xếp ven đường, hay ngồi túm tụm cắn những hạt thóc nếp được rang thơm lừng. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, nội tôi thường chọn những nắm rơm thật sạch sẽ, cất giữ cẩn thận rồi lót xuống dưới chiếu, nằm nghe sột soạt mà ấm áp vô cùng. Hồi còn bé, anh chị em tôi thường tranh nhau ngủ với nội chỉ vì chiếc giường đặc biệt ấy. Mùi trầu nội nhai, mùi rơm mới thơm nồng ấm áp ru chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Rơm là một thứ không thể thiếu của người dân quê tôi. Rơm được dùng để làm dây buộc hay dụng cụ cọ xoong nồi, cũng có thể làm những con cú để đốt mang theo mùa giá rét. Đặc biệt, những lõi rơm vàng óng được nội tuốt ra, rồi cẩn thận, tỉ mỉ tết thành những chiếc chổi. Nội vừa làm vừa kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Những cô gái gái làng tôi hầu như ai cũng biết tết chổi rơm. Nhìn chiếc chổi rơm là biết ai khéo léo, ai vụng về. Rơm cũng được bố vuốt cẩn thận, đánh thành những tấm lợp chuồng trâu, chuồng bò... Bố bảo, rơm thì chịu mưa, chịu nắng kém, chỉ hơn một năm là phải thay, nên bố thường chọn vài đám ruộng lúa chín không bị gió làm ngả rạp, thân rạ hãy còn cứng cáp để dành thay cho những tấm hỏng.
Rơm gắn bó với người dân bao đời như thế. Ẩn sâu trong mỗi sợi rơm vàng là mùi vị của sự no ấm, chân chất, bình dị… Và trong những chập chờn thương nhớ của những đứa con xa quê, một bếp lửa ấm nồng mùi rơm rạ vẫn luôn hiện lên cùng bao kỷ niệm thân thương về một thời xưa cũ…!

Trà My