Học cách chấp nhận sự đa dạng

23/09/2024 13:48 Số lượt xem: 24
Bạn tôi hay phàn nàn về chuyện mọi người trong gia đình khó tìm được tiếng nói chung. Đơn giản như bàn chuyện cả nhà đi du lịch. Ý kiến của mẹ là đi đâu đó yên tĩnh nghỉ ngơi, bố thì muốn đi với mấy ông bạn để có đối thủ chơi cờ, con lại muốn đi những điểm vui chơi nhộn nhịp... Ai cũng bảo vệ quan điểm của mình là đúng nên việc đi du lịch của gia đình không thực hiện được, trì hoãn từ năm này sang năm khác. Rồi đành ngậm ngùi. Nhìn những gia đình khác cả nhà đi nghỉ vui vẻ mấy ngày, ảnh đăng ngập tràn facebook… mà thấy “tủi”.

Thực ra về vấn đề này tôi cũng chẳng hơn gì bạn mình. Không chỉ riêng việc đi chơi, mà mỗi khi đưa ra một vấn đề gì đó để cùng bàn bạc gia đình tôi thường xảy ra một cuộc tranh luận bất phân thắng bại và chỉ dừng lại khi tất cả im lặng. Đương nhiên thì cuối cùng vấn đề đưa ra bàn thảo đó cũng chỉ miễn cưỡng thực hiện, theo kiểu “tùy làm thế nào thì làm”. Lâu dần các thành viên hạn chế giao lưu, thấu hiểu, vô hình chung mỗi người tự tạo cho mình một tấm lá chắn bảo vệ để tránh bị tổn thương.
Những giãi bày kiểu như tranh luận “bất phân thắng bại” không phải là cá biệt mà thường xảy ra trong nhiều gia đình và nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi cá nhân khi tham gia bất kỳ cộng đồng nào, dù là trong gia đình, ở nơi làm việc, mặt đối mặt hay chỉ là cộng đồng ảo trên mạng, tất cả đều có chung một mục đích là học hỏi lẫn nhau để trở thành những người hiểu biết hơn, tốt đẹp hơn. Mỗi thành viên tham gia một cộng đồng, tổ chức nào đó đều ít nhiều đóng góp những giá trị của riêng mình, hoặc học hỏi được điều gì đó từ người khác. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất thường gây ra nhiều tranh cãi và xích mích trong giao tiếp là chúng ta không lắng nghe để hiểu, mà chỉ nghe để trả lời, phản bác.

 


Nhưng hãy nhớ, vấn đề không nằm ở việc ai đúng, ai sai, ai nhiều lý lẽ hơn, mà là làm thế nào để cùng xây dựng những giá trị tốt đẹp chung. Bởi có những vấn đề tranh luận không bao giờ có câu trả lời đúng, mà cần học cách chấp nhận mỗi người có quan điểm khác nhau, giống như bạn thì người khác cũng có quyền đưa ra ý kiến riêng của mình. Cần suy nghĩ xem người kia có đưa ra lập luận xác đáng không và liệu bản thân bạn có đang trì trích phản bác lại ý kiến trái chiều với bạn không. Để đưa ra ý kiến công tâm nhất.
Là con người chúng ta có thể có cảm tình, yêu quý một ai đó hoặc một vấn đề gì đó, nên đôi khi bị cảm xúc lấn át ý trí. Nhưng việc không thích một ai đó, không có nghĩa mọi điều họ nói đều là sai. Chúng ta không biết mọi thứ, hãy tận dụng cơ hội, lắng nghe, xem người đang tranh luận với mình có điều gì có thể học hỏi được hay không; biết đâu họ lại có nhiều kinh nghiệm, vốn hiểu biết sâu sắc hơn bạn thì sao. Nếu không đồng tình thì cũng không nên tranh luận, phản bác vấn đề đến cuối cùng.
 Xét cho cùng thì trong bất kỳ mối quan hệ nào, từ trong nhà tới ngoài xã hội, chúng ta đều cần sự tôn trọng và yêu thương. Hãy học cách giao tiếp hiệu quả để loại bỏ sự đối địch, không khoét sâu mâu thuẫn hay biến chuyện nhỏ thành lớn. Cho nên trước khi tranh luận bất kỳ một điều gì hãy chậm lại một nhịp, cân nhắc và chấp nhận sự đa dạng để đưa ra ý kiến, nhằm xây dựng tổ chức thấu hiểu.

Thái Uyên