Có một nền nghệ thuật “rêu phong” trên đá

25/10/2024 21:00 Số lượt xem: 44
Trải suốt chiều dài lịch sử dân tộc, không có thời kỳ lịch sử nào đất Kinh Bắc thiếu vắng những di tích, tác phẩm điêu khắc nghệ thuật trên đá. Di sản điêu khắc đá là những cột mốc dấu nối quan trọng vừa thể hiện sự sáng tạo, tài năng nghệ thuật, trình độ kỹ thuật chạm khắc điêu luyện của cha ông, vừa minh chứng cho sự phát triển liên tục của nền văn hóa dân tộc.

Di sản điêu khắc trên đá ở Bắc Ninh khá phong phú, đa dạng và là một bộ phận tinh hoa làm nên văn hiến đất Kinh Bắc. Sự phong phú đó được thể hiện qua những tác phẩm điêu khắc đá nổi tiếng ở nhiều di tích chùa tháp, đình, đền, lăng mộ... Tiêu biểu như: Tượng A-di-đà bằng đá xanh chùa Phật Tích là pho tượng Phật duy nhất từ thời Lý còn lại đến ngày nay. Pho tượng cao 1m87, ngồi kiết già, mình mặc nếp áo mỏng, buông rủ, ôm sát cơ thể. Hai bàn tay với những ngón thanh tú để ngửa thu vào trước bụng. Khuôn mặt được chạm khắc đặc biệt công phu, miêu tả vẻ đẹp từ bi và rạng rỡ, mắt sắc, mũi dọc dừa, miệng hơi mỉm cười, dái tai dài, cổ kiêu ba ngấn, tóc hình xoắn ốc... toát lên vẻ đẹp quý tướng của Phật giới. Pho tượng được đặt trên bệ đá tòa sen được chạm rồng, cúc, người và phần dưới là hình sóng nước.

 

Điêu khắc đá chùa Bút Tháp (Thuận Thành).


Trong công trình nghiên cứu điêu khắc cổ Việt Nam, tác giả Thái Bá Vân đánh giá: “Tượng Phật A-Di-Đà chùa Phật Tích là sự hài hòa chân thành của trần thế với các nỗ lực thanh tao của đạo để thắng mọi cám dỗ. Đó là sự thăng bằng cổ điển, kết quả cao cấp của nghệ thuật một thời đại lớn”.
Tác phẩm điêu khắc đá thời Lý còn thể hiện qua hệ thống tượng linh thú: trâu, ngựa, voi, tượng người chim đánh trống cơm... ở chùa Phật Tích. Tại chùa Dạm cũng có các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng như cột đá chạm rồng trứ danh, những đường vân chạm sóng nước trên đá kè ở các tầng nền... Các tác phẩm này đều dùng nguyên vật liệu sở trường thời Lý là đá ráp với kỹ thuật chế tác, chạm khắc tinh vi và trình độ nghệ thuật cao.
Sang thời Trần, điêu khắc đá xuất hiện ở Bắc Ninh không nhiều và còn lại đến ngày nay cũng rất ít. Đại diện tiêu biểu là tượng hai con sóc đá ở bậc cửa trước của tháp Hòa Phong và hình rồng được chạm ở thành bậc đá tại gian tiền đường của chùa Dâu. Ở chùa Ngọc Khám (Gia Đông, Thuận Thành) cũng còn một tấm bia và ba pho tượng Phật Tam thế bằng đá, trong đó bệ của 3 pho tượng là sản phẩm nghệ thuật điêu khắc đích thực thời Trần. Bệ tượng gồm ba phần được chạm hình rồng xen kẽ với cánh sen.
Tại chùa Bút Tháp (Thuận Thành) có những tác phẩm điêu khắc đá được chạm khắc công phu, hoa văn cách điệu, phóng túng, giàu sức tưởng tượng. Cùng với hai tòa tháp đá đệ nhất tổ và đệ nhị tổ, giới nghiên cứu còn thống kê được 51 bức chạm trên đá gồm: 26 bức chạm trên lan can, 1 bức chạm trên cầu đá, 13 bức trên tầng nền bệ tháp Báo Nghiêm. Đề tài của các bức phù điêu ở chùa Bút Tháp rất đa dạng, phản ánh thế giới sinh động gần gũi và thân thiết với con người như các loại: cây tre, thông, lựu...; các loài hoa: sen, cúc, mai...; các loài vật: cò, chim phượng, chim sẻ, trâu, ngựa, hổ, hươu, sư tử, lân, rồng, chồn, thỏ... Đó là những tác phẩm chạm nổi trên đá rất đẹp, được xem như những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam.
Nghệ thuật chạm khắc đá còn được thể hiện qua hệ thống đền thờ, lăng mộ của các quận công, tướng công như: Lăng tướng công Nguyễn Đình Diễn (thị trấn Lim, Tiên Du), lăng và nhà thờ quận công Đỗ Nguyên Thụy (Nội Duệ, Tiên Du), lăng quận công Nguyễn Ngọc Trì (thị trấn Chờ, Yên Phong), Võ miếu Đại Trung (Việt Hùng, Quế Võ)... Hầu hết các di tích này đều có các tác phẩm điêu khắc đá: Tượng voi phủ phục, ngựa đủ yên cương, chó nghê ngồi chống chân, quan hầu, võ sĩ cầm gươm giáo... Nghệ thuật chạm khắc và phong cách tạo hình các tác phẩm điêu khắc đá ở hệ thống các lăng thường gò bó theo quy cách khắt khe, đường nét thô cứng, khuôn mẫu, tuy không bay bổng, phóng túng và giàu sức tưởng tượng như điêu khắc đá ở đình, chùa nhưng vẫn phản ánh hiện thực đời sống và xu hướng thẩm mỹ của cha ông xưa.  
Nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, nghệ nhân xưa mà thế hệ sau đã tiếp cận được những câu chuyện quá khứ, hiểu được phần nào những giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất văn hiến ngàn năm. Có những câu chuyện tưởng chừng đã bị quên lãng, biến mất, hoặc chìm khuất theo thời gian nhưng khi vén lớp rêu phong phủ dày trên đá lại thấy hiện ra cả một bối cảnh xã hội, một đời sống hiện thực sống động được kể lại thông qua những tác phẩm điêu khắc được đặt trong không gian đặc biệt của các di tích. Như cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từng nhận định thì: “Những tác phẩm ấy phản ánh tất cả vẻ đẹp, chứa đựng mọi hương thơm của quê hương và Tổ quốc”.
Mỗi tác phẩm, mỗi nét chạm khắc đều như gợi lại những cuộc đối thoại về lịch sử, văn hóa, về thời gian, không gian và nhiều mặt hoạt động của đời sống dân tộc trong quá khứ, giúp chúng ta nhận ra cốt cách, tâm hồn của cha ông xưa một cách sâu sắc. Hơn thế, khi nhìn sâu vào mỗi pho tượng, mỗi bức phù điêu ấy, chúng ta sẽ cảm nhận thấy, đó không chỉ là câu chuyện trang trí, làm đẹp, là nếp nghĩ, nếp sống truyền thống mà còn mở ra những chiều kích khác, những bài học cho nghệ thuật đương đại, cho người nghệ sĩ, cho cộng đồng hôm nay và mai sau...

V.Thanh