Lương Tài bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

24/10/2024 21:12 Số lượt xem: 55
Di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) là chứng tích ghi dấu thời kỳ lịch sử của dân tộc, nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của di tích, huyện Lương Tài luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Đoàn viên thanh niên Lương Tài thường xuyên quét dọn đình làng Lương Xá, xã Phú Lương bảo đảm cảnh quan di tích luôn xanh-sạch-đẹp.


Hiện Lương Tài có 68 DTLSVH, trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa ở Lương Tài có nhiều tiến bộ. Những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân. Do đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích được nâng lên rõ rệt. Công tác tu bổ, tôn tạo từng bước đi vào nền nếp. Nguồn kinh phí cho hoạt động này được xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Năm 2023, Lương Tài tu bổ 9 di tích với nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp ngày công lao động công ích cùng các nguồn xã hội hóa, nguồn cung tiến với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Năm 2024, Lương Tài tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp 9 di tích gồm: Đình Đạo Sử, đình Đông Hương (thị trấn Thứa); đình Bích Khê (xã Phú Lương); chùa An Trụ, đền Thanh Lâm (An Thịnh); chùa My Xuyên (Mỹ Hương); nhà thờ Tiến sỹ Vũ Miên (Lâm Thao); đình Văn Xá Trong (Phú Hòa); đình Văn Phạm (Lai Hạ).
Các di tích được trùng tu, tu bổ đều được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Hằng năm Phòng Văn hóa-Thông tin huyện luôn chủ động trong công tác hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo thành lập và hướng dẫn Ban quản lý các di tích hoạt động theo đúng quy chế, có hiệu quả đối với các di tích được xếp hạng. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch thẩm định hồ sơ cũng như kiểm tra chặt chẽ các hạng mục xin được trùng tu, tu bổ. Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ di tích. Các quy chế, quy định quản lý xây dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo di tích đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lương Tài cho biết: Cùng với việc quan tâm công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, hằng năm, Lương Tài có 45 lễ hội truyền thống được tổ chức, chủ yếu là lễ hội làng. Mỗi lễ hội đều được các địa phương tổ chức trang trọng, tiết kiệm, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng quy chế tổ chức lễ hội, trước, trong và sau lễ hội đều tuyên truyền về ý nghĩa giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của di tích. Công tác quản lý di tích được bảo đảm, nhờ đó, không xảy ra tình trạng mất trộm các hiện vật giá trị, cảnh quan môi trường các di tích được bảo đảm xanh, sạch, đẹp... Các DTLSVH đều có biển chỉ dẫn, có phần giới thiệu tóm tắt về lịch sử di tích.
Thời gian tới, Lương Tài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị DTLSVH nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ di tích; tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích, để tiến hành trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác; chú trọng sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật ở các di tích, qua đó phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Minh Hường