Bài học về sự tha thứ

19/07/2024 21:03 Số lượt xem: 443
Hôm nay tình cờ xem một video trên mạng, đập vào mắt tôi là hình ảnh nhiều người dân bắt trói 4,5 phụ nữ nghi phạm tội thôi miên, lừa đảo. Những người này bị trói với nhau và liên tục bị đám đông nhục mạ, tra hỏi và lôi lên đồn công an. Nếu họ sai phạm, thì việc báo lực lượng chức năng xử lý là đương nhiên. Nhưng điều tôi muốn nói là cách hành xử giữa người với người. Khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra thì họ vẫn là nghi phạm, nghĩa là họ có thể có tội hoặc không...

Chưa bao giờ mà trên mạng xã hội cũng như ngoài đời, con người lại dễ dàng kết tội, phán xét, mỉa mai, nói xấu nhau bằng đủ thứ ngôn từ như vậy. Người xấu, người ác thì sẽ có pháp luật xử lý, pháp luật chưa xử thì luật nhân quả vẫn luôn tồn tại, nợ điều gì thì trước sau sẽ trả bằng hết. Thiên đàng và địa ngục đều ở ngay trong lối sống của mỗi người. Vậy tại sao ta lại làm thay vai trò của quan tòa để luận tội họ khi chưa có bằng chứng xác thực. Con người ngày nay đang huân tập một thói quen xấu tưởng chừng như vô hại, trên danh nghĩa bảo vệ điều thiện, bài trừ cái ác nhưng vô tình bộc lộ bản ngã sân si rất đáng sợ. Khẩu nghiệp có lẽ là thói quen đang trở thành trào lưu lan rộng khủng khiếp, gây tác động tiêu cực tới tâm lý con người. Khi chúng ta ủng hộ, hùa theo điều đó chính là ta đang làm vẩn đục, ô nhiễm tâm mình, tưới tắm vườn hoa tâm bằng kênh nước đen. Đời ai mà không có sai lầm, cho người khác một đường lui cũng coi như cho mình một cơ hội lúc khó khăn. Đời người là cả một hành trình, điều nên làm không phải là ném đá, đẩy ai đó vào con đường cùng mà cần hơn là hoàn thiện mình.
Cuộc đời cho chúng ta gặp gỡ những người khác nhau, có những người dù không nói chuyện nhiều nhưng mỗi khi nghĩ tới họ ta có cảm giác tin tưởng, bình an đến lạ và ngược lại, đều từ một chữ tâm mà ra. Điều này lý giải vì sao khi ở gần những người tu hành đức hạnh mọi người đều cảm nhận trường năng lượng thiện lành, an lạc, hoan hỉ. Đức hạnh của bậc chân tu có thể cảm hóa giúp người lầm lỗi biết ăn năn, sám hối và cải đổi để sống thiện lương. Mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều là năng lượng, khi trong tâm mỗi người suy nghĩ, xuất ra ý niệm gì thì cơ thể vật chất và môi trường xung quanh cũng bị biến đổi theo. Nếu tâm suy nghĩ tích cực sẽ giúp sức khỏe của ta tốt lên và những người xung quanh cũng cảm nhận được sự an yên, tin cậy khi kết giao và tiếp xúc gần.
 Viết đến đây tôi chợt nhớ đến những ngôn từ thực sự chinh phục trái tim “Sự tha thứ là mùi hương mà violet để lại trên gót chân đã giẫm nát nó”  của văn hào Mark Twain. Đó là cách mà một loài hoa đã dạy và thức tỉnh bao trái tim ngủ mê từ bao đời kiếp chìm trong tham sân si. Hãy biết cảm ơn và tha thứ cho những điều xấu,  bởi từ hình ảnh của cái xấu xa đó ta biết rút kinh nghiệm và tìm cách tránh không phạm phải. Từ tâm bi mẫn này, ta có thể thương xót những người không có đời sống đạo đức tốt đẹp, bởi nhiều khả năng họ chứa chất trong lòng một nỗi khổ nào đó, một hoàn cảnh đau thương nào đó mà mình không biết. Trên hành trình trải qua vô vàn kiếp sống này chúng ta rong chơi, trải nghiệm, học hỏi để trưởng thành trong hạnh phúc và cả khổ đau. Hành trình này thật tuyệt vời và vi diệu và bài học không thể thiếu đó là lòng yêu thương, bao dung và nhân ái, ai rồi cũng phải học ra bài học của riêng mình, hông ai làm thay ai được cả. Vậy nên nếu mọi chuyện có thể giải quyết nhẹ nhàng thì hãy nhẹ nhàng, bỏ qua được thì bỏ qua để cùng nhau học tiếp bài học còn dang dở và về đích trong kiếp nhân sinh đáng giá này. Giữa hồng trần cuồn cuộn đầy hỉ nộ ái ố, hãy học cách im lặng nhiều, nói thật ít, sự tĩnh lặng sẽ nảy sinh trí tuệ và chỉ cho bạn con đường đúng đắn cần phải đi.

Gia Bảo