Tháng 7 ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành

23/07/2024 14:02 Số lượt xem: 1066
Tuổi thanh xuân của 91 thương binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Giờ đây, dù trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ngày đêm gặm nhấm thể xác và tinh thần của những cựu chiến binh. Song, hằng ngày vượt lên nỗi đau bệnh tật, những thương binh tại đây vẫn sống lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, "tàn nhưng không phế". Không để những chứng nhân lịch sử phải chịu thiệt thòi, giờ đây, các bác đã và đang nhận được sự chăm sóc, tri ân của nhiều các cấp, ngành, đơn vị cùng các tầng lớp cán bộ, nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Hằn dấu ấn chiến tranh

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành tại phường Ninh Xá, (thị xã Thuận Thành) thành lập từ ngày tháng 4-1965, được biết đến như là ngôi nhà thứ hai của những người lính là thương binh nặng. Ông Trương Đăng Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết hiện đơn vị  đang nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 91 thương binh binh nặng hạng 1/4 đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước; người cao tuổi nhất là 95 tuổi, trẻ nhất là 41 tuổi. Có tới 90% thươngbinh ở đây bị thương vùng cột sống, gây liệt 1/2 cơ thể; 10% là những trường hợp bị vết thương tổng hợp như: cụt 2 tay, cụt 2 chân, hỏng mắt… gần như tất cả phải ngồi xe lăn. Trong số 91 cô, chú ở đây có nhiều người vừa bị thương vừa nhiễm chất độc da cam, nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: Tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, loét lưng, cá biệt có thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật, lấy vợ mấy chục năm không có khả năng sinh con. 

 

Hầu hết thương binh đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành bị liệt 1/2 cơ thể phải ngồi xe lăn

 

Bác Nguyễn Văn Tứu, sinh năm 1949, quê ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Đi bộ đội năm 1969 và bị thương cột sống ở mặt trận Tây Nam năm 1978, sau đó dẫn đến liệt hai chân. Hiện một chân của bác Tứu đã phải tháo bỏ do tái phát chấn thương ở khớp háng. Thương binh Nguyễn Văn Tứu có tỉ lệ thương tật 100%. Bác Tứu cho biết ở trung tâm, các bác luôn nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Những đêm trái gió, trở trời, bệnh tình tái phát, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, trực 24/24 giờ, chăm sóc tận tình. 

Tàn nhưng không phế

Đến từ nhiều miền quê, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, giờ đây, những người đồng đội dù không còn lành lặn lại cùng nhau sát cánh trên mặt trận chống lại thương tật, sống lạc quan và là những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực sống vượt khó để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”...

 

Thương binh Vũ Văn Ngậu (quê Hưng Yên) vẫn tự nấu ăn hàng ngày

 

Dù đơn vị có nhà bếp phục vụ song nhiều bác vẫn nấu cơm, tự sinh hoạt theo sở thích của mỗi người. Như thương binh hạng 1/4 Đỗ Đăng Khuê quê Thái Bình, nhập ngũ năm 1967, bị thương ở mặt trận Nam Lào năm 1972. Ông điều trị tại Trung tâm từ tháng 7-1975, dù cụt 2 tay và hỏng một bên mắt nhưng ông vẫn tự nấu ăn và sinh hoạt. Bác Đỗ Đăng Khuê, quê Thái Bình, nhập ngũ năm 1967, bị thương ở mặt trận Nam Lào năm 1972. Ông điều trị ở đây từ tháng 7-1975. Dù cụt hai tay nhưng ông vẫn tự nấu ăn và sinh hoạt.

Hay như thương binh Vũ Văn Ý (quê huyện Lương Tài) dù bị thương tật với tỉ lệ 93%, vết thương luôn hành hạ khi trái gió trở trời, nhưng vẫn luôn lạc quan và nở những nụ cười rạng rỡ, hàn huyên tâm sự cùng đồng đội những lúc rảnh rỗi, hay khâu vá, sửa chữa những đồ dùng cần thiết.

Cuộc sống của các thương binh nơi đây vô cùng dung dị, giản đơn và luôn chan chứa tình yêu thương, gắn bó. Mặc dù cơ thể không còn lành lặn, luôn phải ngồi trên chiếc xe lăn nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Nụ cười của những người đã chiến thắng số phận, vượt lên chính mình.

Tháng tri ân

Thấu hiểu và mong muốn bù đắp phần nào những mất mát cho các thương binh, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn quan tâm và tận tình chăm sóc các bác như những người thân trong gia đình. Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của các thương, bệnh binh càng được nâng cao. Trước đây, nhà ở của các thương, bệnh binh chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ, còn giờ đây, hệ thống phòng ốc đã được xây dựng khang trang, thoáng mát và trang bị hệ thống điều hòa. 91 thương binh là ngần ấy căn phòng rộng khoảng 40 m2 (mỗi thương binh 1 phòng). 

 

Đoàn cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng quà các thương binh tại Trung tâm nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ

 

Do tuổi cao lại bị tổn thương nặng về cơ thể, nên các y, bác sĩ, điều dưỡng phải phục vụ từ ăn, tắm, ngủ nghỉ đến uống thuốc. Nhiều bác do vết thương quá nặng, đội ngũ điều dưỡng tại Trung tâm hằng ngày vẫn bón từng thìa cơm, miếng nước như người thân trong gia đình. Dù công việc khá vất vả, song mỗi cán bộ ở Trung tâm luôn tâm niệm những công việc mà mình đang thực hiện không thể so sánh với những mất mát, hy sinh mà các thương binh, bệnh binh đã phải gánh chịu. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước, những người đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của dân tộc. Trung tâm sẽ cố gắng hơn nữa để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho các thương bệnh binh đang điều dưỡng tại đây, đó là tình cảm chân tình, sự quan tâm nhỏ bé nhất mà mỗi người Việt Nam hôm nay có thể tri ân tới thế hệ đi trước.

Những ngày này, có mặt ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành dễ dàng bắt gặp các đoàn công tác, nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, tri ân các thương binh đang được điều trị, an dưỡng ở đây. Đã 6 năm liên tục có mặt tại Trung tâm tình nguyện giúp đỡ, chăm sóc các thương binh đang điều dưỡng tại đây vào mỗi dịp tháng 7 và Tết Nguyên đán, bạn Hoàng Thanh Vân (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) hàng ngày vượt hơn 20km đến đây với mong muốn sẻ chia những khó khăn, vất vả với các bác thương binh. Thanh Vân chia sẻ: Mỗi khi lắng nghe các bác thương bệnh binh kể chuyện ngày xưa đi chiến đấu ra sao, vết thương đau đớn thế nào, dường như các bác vui hơn nhiều. Dù chỉ là việc làm rất nhỏ nhưng em cũng cảm thấy vô cùng ý nghĩa khi được góp phần giúp các bác xoa dịu bớt những đau đớn về mặt thể xác.

 

Thanh niên tình nguyện cắt tóc miễn phí phục vụ các thương binh tại Trung tâm

 

Hay như anh Nguyễn Đắc Quang, xã Yên Trung (huyện Yên Phong) đã cùng 3 người bạn dành ngày nghỉ cuối tuần đưa vợ và các con nhỏ đến tri ân, tặng quà và để các cháu nhỏ được tận mắt chứng kiến, trò chuyện, hiểu hơn giá trị của những điều tốt đẹp về thế hệ cha anh đã hy sinh một phần thân thể cho độc lập, tự do của dân tộc. Sau gần 1 ngày ý nghĩa với những kỷ niệm đáng nhớ, cả 4 gia đình nhóm anh Quang đều tự hứa với mình sẽ quay trở lại Trung tâm thêm nhiều lần nữa. Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, anh Quang cùng gần 20 anh chị em Công ty làm việc cũng đã dành thời gian đến Trung tâm tặng quà, chúc Tết các thương binh đang điều dưỡng tại đây.

Tình cảm và những món quà, tấm lòng tri ân của các đoàn công tác, cơ quan, đơn vị trao tặng các thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm cũng như sự chăm sóc, động viên, giúp đỡ của hàng trăm, hàng nghìn thanh niên tình nguyện là sự động viên về tinh thần, thêm niềm tin yêu và vững vàng hơn trên mặt trận chống chọi với thương tật. Đồng thời, sự lắng đọng tình đồng đội thắm thiết luôn sát cánh bên nhau giữa lúc thường cũng như lúc ra trận... góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường.

Ghi chép của Yến Ngọc

Nhịp cầu nhân ái