Trợ giúp kịp thời người yếu thế trong xã hội

09/08/2024 20:16 Số lượt xem: 497
Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX vừa qua, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương quan trọng tác động đến nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là những hộ nghèo, khó có khả năng thoát nghèo với mục tiêu thực hiện thành công nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo.

Để hỗ trợ những đối tượng yếu thế, thời gian qua, bên cạnh những chính sách của Trung ương, tỉnh ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội như: Học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông được miễn, giảm một phần học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền điện theo quy định... Tuy nhiên, với các đối tượng thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo thì vẫn cần tiếp tục mở rộng các chính sách an sinh xã hội theo hướng đa chiều, đặc biệt là nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo mới nhất cuối năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, toàn tỉnh có tổng số 3.422 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, đời sống khó khăn (chiếm tỷ lệ 0,92% so với tổng số hộ dân cư) tương ứng 8.762 người; trong đó số người không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo 6.262 người (chiếm 71,46%).
 Cụ thể, số người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là 788 người; 56 người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định; 1.798 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo; 1.120 người không trong độ tuổi lao động theo quy định mà chưa được hưởng chế độ nào của Nhà nước; 1.150 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 1.350 người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên đang hưởng chế độ của tỉnh và của Trung ương… Số người thuộc hộ nghèo nhưng trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chỉ khoảng 2.500 người (chiếm 28,54%).
Với mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo, Nghị quyết số 06 quy định mở rộng các chính sách an sinh xã hội đối với các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định hiện hành, đồng thời hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng là thành viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo tiêu chí thu nhập cao hơn mức chuẩn nghèo.

 

Đại diện Sở LĐ-TB&XH và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tặng quà và hỗ trợ hộ nghèo tại huyện Yên Phong.


Cụ thể, tỉnh hỗ trợ đối tượng là thành viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh (trừ người trong độ tuổi lao động vẫn còn khả năng lao động) không thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với mức hỗ trợ khu vực nông thôn 1.800.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2.300.000 đồng/người/tháng. Với các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo đang hưởng trợ cấp hằng tháng, bên cạnh mức trợ cấp xã hội hiện hưởng, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm bảo đảm hằng tháng các đối tượng ở khu vực nông thôn được hưởng là 1.800.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2.300.000 đồng/người/tháng (số tiền hỗ trợ này đã bao gồm mức trợ cấp xã hội hằng tháng hiện hưởng theo quy định của Chính phủ).
Đối tượng là người cao tuổi chưa có chồng hoặc chưa có vợ và chưa có con; đã có chồng hoặc có vợ và có con nhưng đã chết hết hoặc mất tích hết theo quy định của pháp luật thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng khác được hưởng hệ số 1,0 so với mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất của Trung ương hoặc tỉnh quy định (hiện nay là 500.000 đồng/người/tháng). Ngoài ra, thành viên hộ nghèo được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tham gia Bảo hiểm y tế hằng năm; hỗ trợ về giáo dục, xây mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tiền điện và đào tạo nghề, được tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán theo quy định...
Với thành viên thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh đã được phê duyệt, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 70% tổng kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm (Trung ương đã hỗ trợ 30%). Bên cạnh đó, đối tượng này cũng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với cho vay hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 06 dự kiến hằng năm khoảng 209 tỷ đồng (tăng 91,5 tỷ đồng so chính sách hiện hành). Đây là chính sách trợ giúp xã hội lớn, khẳng định tỉnh Bắc Ninh luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Hoài Phương

Nhịp cầu nhân ái