Chăm lo người có công bằng cả tấm lòng

25/07/2024 20:18 Số lượt xem: 483
Từ đầu năm 2022, gia đình ông Nguyễn Thế Quýnh (thôn Đại Vi, xã Đại Đồng, Tiên Du), thương binh hạng 4/4, nạn nhân chất độc hóa học, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được ở trong căn nhà mới khang trang xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Là hộ người có công hoàn cảnh đặc biệt của địa phương, căn nhà mới chính là nguồn động viên để ông Quýnh nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm sóc người con tật nguyền ảnh hưởng bởi chất độc da cam và người vợ đang mắc bệnh nặng. Ông chia sẻ: “Tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, chính quyền địa phương, bà con lối xóm khiến tôi rất cảm kích, thêm động lực để vươn lên, phát huy tinh thần của “Bộ đội cụ Hồ” dù trong hoàn cảnh nào vẫn tiếp tục vượt qua”.  

Từ năm 2018, tỉnh đã trích ngân sách nâng mức hỗ trợ xây dựng đối với người có công khó khăn về nhà ở cao hơn mức trung ương (hỗ trợ xây mới là 72 triệu đồng/nhà; đối với hỗ trợ sửa chữa là 36 triệu đồng/nhà). Kết quả thực hiện đề án góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với cộng đồng trong việc xã hội hóa công tác chăm sóc và tri ân người người có công với cách mạng.
Tiếp nối chính sách nhân văn này, từ năm 2020, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách đặc thù điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công thuộc diện điều dưỡng hai năm một lần trong năm không thực hiện chế độ từ nguồn kinh phí Trung ương. Qua đó, thêm phần động viên để người có công và thân nhân người có công với cách mạng an tâm ổn định cuộc sống.  Bà Nguyễn Thị Ngọc là vợ liệt sĩ ở thôn Tam Tảo (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du)  cho biết: “Định kỳ hàng năm, tôi được đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Điều dưỡng người có công. Trong thời gian điều dưỡng, tôi được tham gia các buổi nói chuyện thời sự, tư vấn sức khỏe, giao lưu văn nghệ, vui chơi giải trí, các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, văn hóa giúp tinh thần phấn khởi, thoải mái và thể trạng khỏe mạnh hơn…”.
 

Thương binh nặng được chăm sóc, phục hồi sức khỏe tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (thị xã Thuận Thành)

 

Bên cạnh những chế độ chính sách trên, thời gian qua, với tình cảm và trách nhiệm tri ân sâu sắc, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù chăm lo người có công bằng các việc làm cụ thể như: Chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho thân nhân người có công…. Vào các dịp lễ, Tết, việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, tận tình.  Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe từ nguồn kinh phí trung ương ủy quyền đối với 4.615 người có công (tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng); chế độ điều dưỡng từ nguồn kinh phí địa phương đối với 6.913 người (tổng kinh phí hơn 16,5 tỷ đồng); cấp phát Bảo hiểm y tế đối với 24.111 người có công với kinh phí hơn 19 tỷ đồng; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với 490 người (tổng kinh phí 752 triệu đồng); tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách ưu đãi cho 883 người có công (trong đó, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 190 trường hợp; trợ cấp mai táng phí cho 688 trường hợp; chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 5 trường hợp)…

 

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Bắc Ninh đóng góp nhiều sức người, sức của cùng quân và dân cả nước giành độc lập, thống nhất đất nước. Đến nay toàn tỉnh đang quản lý 125.523 người có công và thân nhân người có công, trong đó 16.935 lượt người hưởng trợ cấp hàng tháng.


Ông Đoàn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: “Bắc Ninh là một trong những tỉnh luôn đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; 99,97% hộ gia đình người có công của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Từ 1-7, cùng với việc tăng mức mức lương cơ sở, mức trợ cấp ưu đãi người có công cũng được tăng lên khoảng 35,7%. Đây là cơ sở để cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công”.
Có thể khẳng định, với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, các cấp, ngành tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho người có công. Qua đó phần nào làm vơi đi những mất mát, đau thương của các gia đình chính sách; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân đối với người có công, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay.

Hoài Phương

Nhịp cầu nhân ái