Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

17/05/2024 09:51 Số lượt xem: 285
Sau 4 năm triểu khai, hơn 32 tấn tương đương 3 triệu vỏ hộp sữa được thu gom từ chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du đã tác động lớn đến nhận thức và thói quen phân loại, thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống không chỉ của giáo viên, học sinh mà còn của cả cộng đồng, góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng văn hoá phân loại rác trong đời sống hằng ngày.

Được triển khai từ tháng 5-2020, mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học huyện Tiên Du (do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp Công ty Cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm Tetra Pak và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam triển khai) nhận được sự tham gia tích cực và bền bỉ của 16 trường Tiểu học với 22 điểm trường. Kết quả, cô và trò các nhà trường đã thu gom được hơn 32 tấn, tương đương 3 triệu vỏ hộp sữa từ chương trình sữa học đường và cả việc học sinh uống sữa hộp trong cuộc sống hành ngày. Những hành động tưởng chừng rất nhỏ này không chỉ giảm lượng rác thải khó phân huỷ ra môi trường mà còn tác động đến nhận thức và thói quen phân loại, thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống của cả học sinh, giáo viên và người dân trong huyện. Qua đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng văn hoá phân loại rác trong cộng đồng cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện cam kết tái chế bao bì sau khi sử dụng theo quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu.
 

Những học sinh tiêu biểu trong việc thu gom vỏ hộp sữa của các trường Tiểu học huyện Tiên Du.

 

Bà Trần Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du chia sẻ: Là đơn vị thực hiện khá tốt chương trình “Sữa học đường” đối với học sinh bậc Tiểu học nên lượng vỏ hộp sữa còn lại sau mỗi buổi học phát sinh lượng rác thải khá lớn. Sau 4 năm triển khai tại 16 trường Tiểu học trên địa bàn, chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 60 nghìn lượt học sinh và giáo viên, khoảng 250 nghìn người dân các xã, thị trấn trong huyện. Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng hợp tác thực hiện thu gom vỏ hộp giấy tại trường học của Tetra Pak và Lagom cũng như những kết quả mà chương trình đã đạt được. Năm học tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục phối hợp triển khai chương trình tới các trường Mầm non trên địa bàn. Hy vọng những kết quả này sẽ là động lực và mô hình để các nhà sản xuất trên địa bàn học tập kinh nghiệm, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.

 

Giáo viên, học sinh bậc Tiểu học huyện Tiên Du tham quan trưng bày các sản phẩm tái chế từ chương trình thu gom vỏ hộp sữa trong trường học


Điển hình như tại Trường Tiểu học Phú Lâm 1 (xã Phú Lâm). Với bình quân gần 900 học sinh/năm học, những năm học qua, chương trình “Sữa học đường” được Ban Giám hiệu, giáo viên và 100% học sinh nhà trường hưởng ứng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc xử lý vỏ hộp sữa sau khi sử dụng, bởi lẽ mỗi tháng có gần 19.000 vỏ hộp cần được xử lý tránh ảnh hưởng đến môi trường lớp học và môi trường xung quanh. Cô giáo Trần Thị Thu Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lâm 1 cho biết, ban đầu việc triển khai chương trình thu gom vỏ hộp giấy tại nhà trường cũng gặp không ít khó khăn do thói quen của giáo viên và học sinh. Song nhận thức được ý nghĩa của chương trình nên Ban Giám hiệu nhà trường động viên cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm các lớp triển khai thực hiện theo các bước từ việc yêu cầu học sinh uống hết lượng sữa trong hộp đến dán bịt lỗ cắm ống hút, làm xẹp hộp, thu gom vào đúng nơi quy định để chuyển đi… Ngoài lượng vỏ hộp từ chương trình “Sữa học đường”, nhà trường còn vận động học sinh thu gom cả vỏ hộp sữa học sinh uống hàng ngày tại nhà nên dù không phải là trường có số học sinh đông song Tiểu học Phú Lâm 1 luôn là một trong những đơn vị có lượng vỏ hộp sữa thu gom được lớn nhất.
Là 2 đơn vị phối hợp  triển khai chương trình, Lagom và Tetra Pak đã đồng hành trong nhiều dự án thu gom và tái chế, tái sinh những vỏ hộp sữa thành những sản phẩm thân thiết, gần gũi được đưa vào sử dụng trong cuộc sống, trường học như bàn picnic ngoài trời, đồng hồ treo tường, móc quần áo… Kết quả đạt được sau 4 năm triển khai chương trình tại huyện Tiên Du và các trường tại tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh… giúp Lagom và Tetra Pak từng bước hiện thực hóa mục tiêu tái chế 100% các sản phẩm và bao bì từ rác. Không chỉ vậy, chương trình còn lan tỏa thông điệp và giáo dục hành vi cho hàng trăm ngàn học sinh, thầy cô giáo và cả phụ huynh học sinh là tiền đề cho nhân rộng mô hình thu gom vỏ hộp giấy ra phạm vi toàn tỉnh. Từ đó, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.

Yến Ngọc

Người tốt việc tốt