Đi và viết giữa hai đầu thương nhớ

20/06/2024 14:57 Số lượt xem: 411
Với những người làm báo, được đến với Trường Sa, được tác nghiệp giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vinh dự lớn, một lương duyên nghề nghiệp. Tôi được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải đi chúc Tết, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa Xuân Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 2 đến 20 tháng 1 năm 2024). Chuyến hải trình gần 20 ngày theo tàu 561 là những câu chuyện tác nghiệp giữa hai đầu thương nhớ: Đất liền và Đảo xa, để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc khó quên trong cuộc đời làm báo.

Phóng viên tác nghiệp trên đảo Trường Sa.

 

Gian nan hải trình đến Trường Sa

“Say sóng” theo đúng nghĩa đen là sản phẩm đặc biệt nhất mà hầu hết phóng viên, nhà báo chúng tôi đều phải trải qua trong hải trình đến với Trường Sa, dù là người mới đi lần đầu hay đã nhiều lần công tác nơi biển đảo. Trong chuyến hải trình này, dù đã được các đồng nghiệp đi trước cảnh báo, chia sẻ kinh nghiệm và có sự chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, thuốc chống say, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe…thế nhưng, mọi sự chuẩn bị đều không hiệu quả.

Chỉ sau khoảng 1 giờ xuất phát, tàu đi vào vùng sóng to, gió lớn con tàu xô lắc, chao đảo. Sóng  mỗi lúc một mạnh, nhiều tiếng đổ vỡ phát ra từ các phòng và nhà bếp, thậm chí chúng tôi nằm dưới sàn cũng bị dồn về một phía.  Phòng chúng tôi gồm 5 nữ phóng viên đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Hậu Giang. Tất cả đều bị say sóng, nhưng có tôi và nhà báo Phan Thị Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam, Nghệ An) thì liên tục bị nôn ói, khi không còn gì thì nôn ra mật xanh, mật vàng. Chị Trang Đoan thể trạng gầy yếu, bị lả đi vì say sóng phải nhờ đến sự chăm sóc của đội ngũ y tế trên tàu. Còn tôi, trong suốt gần 40 giờ đồng hồ vượt sóng từ đất liền ra đảo, tôi cố thủ trong phòng, nằm bẹp một chỗ. Biện pháp chống say sóng hiệu quả nhất là hạn chế ăn uống và đi lại. Gần hai ngày đêm trên tàu, chúng tôi cầm cự bằng những miếng lương khô, cơm cháy hay mẩu khoai luộc do bộ phận nhà bếp của tàu chuẩn bị, phân phát đến từng phòng.

Bên cạnh việc phải chống chọi với những cơn say sóng, một khó khăn nữa khi tác nghiệp ở Trường Sa đó là bảo quản thiết bị tác nghiệp. Ở nơi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, việc quan trọng nhất đối với phóng viên là phải lo việc bảo quản máy ảnh, máy quay, máy tính... bởi hơi nước biển là “kẻ thù số 1” đối với các thiết bị điện tử, và có thể làm hỏng máy móc bất cứ lúc nào... Mỗi lần ra vào các điểm đảo, các thiết bị tác nghiệp phải luôn được bọc kín bằng nhiều lớp ni lông.

Sự gian nan với các nhà báo ra tác nghiệp ở Trường Sa còn phải đối mặt với những hiểm nguy trực chờ khi di chuyển từ tàu lớn bằng xuồng vào đảo. Bởi trong số các đảo, điểm đảo thuộc Trường Sa chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn là tàu có thể cập mạn khi sóng nhỏ, biển êm, còn lại để di chuyển lên những hòn đảo nhỏ, buộc phải “tăng bo” bằng xuồng. Sóng nhồi dữ dội, dù trên tàu và dưới xuồng đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đón đỡ từng người, nhưng để bước được xuống xuồng cũng không phải dễ. Phải tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống thật nhanh, phải đặt chân đúng chỗ để tránh bị kẹp giữa hai “gọng kìm thép” là thành xuồng và mạn tàu, điều này chúng tôi đã được cảnh báo từ trước, bởi thực tế từng có những tai nạn như vậy. Tôi nhớ, trong lần vào đảo Đá Tây B đúng lúc cơn giông biển ập tới kèm mưa to, gió lớn, khoảng cách di chuyển từ tàu lớn vào đảo hơn 4 hải lý, chiếc xuồng chở chúng tôi trở nên nhỏ bé ở giữa biển mênh mông, dập dềnh theo từng con sóng cao. Các chiến sỹ lái xuồng phải lựa từng cơn sóng để đưa chúng tôi ra vào đảo an toàn.

 

Những khoảnh khắc không thể quên trên quần đảo Trường Sa.

 

Hạnh phúc của người làm báo

Cảm giác hạnh phúc đối với tôi khi ra tác nghiệp ở Trường Sa là khi nhìn thấy đảo sau một hải trình dài. Đi đến bất cứ đảo nào, sau khi tàu buông neo, anh em báo chí luôn được ưu tiên trong danh sách những người xuống chuyến xuồng đầu tiên, để có nhiều thời gian trong quá trình tác nghiệp. Dường như mọi sự sợ hãi, mệt mỏi sau khi đánh vật với những con sóng đều tan biến khi xuồng cập đảo. Chúng tôi luôn nhận được sự ấm áp của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Ngoài đảo Trường Sa, trong chuyến hải trình đặc biệt này, tôi và các đồng nghiệp còn được đặt chân đến các đảo: An Bang, Đá Đông A, B, C và Đá Tây A, B, C. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được đón tiếp nhiệt tình, chu đáo như người thân. Với mỗi cán bộ chiến sỹ công tác nơi đảo xa, sống trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề, thì sự có mặt của các phóng viên, nhà báo chính là cầu nối, mang hơi ấm của đất liền đến với mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.

Do thời gian được phép lưu trú trên mỗi hòn đảo chỉ kéo dài vài giờ nên phóng viên thường chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp. Ai cũng tận dụng tối đa quãng thời gian ngắn ngủi trên đảo để cố gắng không bỏ sót những khoảnh khắc, những hoạt động của người lính trên biển, đảo, lắng nghe, ghi chép từng câu chuyện đầy xúc động, ân tình.

Tác nghiệp ở Trường Sa với những dấu ấn rất riêng, nhiều cảm xúc đặc biệt với mỗi người làm báo. Bên cạnh được tiếp xúc với những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu; lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về ý chí, lòng can trường, gan dạ của quân và dân trên đảo; chúng tôi còn được chứng kiến sức sống kỳ diệu tại mảnh đất khắc nghiệt nơi đầu sóng. Đây không chỉ là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút, mà trái tim các nhà báo cùng chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ trên hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. 

Niềm hạnh phúc lớn khi tác nghiệp nơi biển đảo, làm cho các nhà báo xích lại gần nhau hơn đó là sự sẻ chia. Trong suốt hải trình 20 ngày ở Trường Sa, chúng tôi luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp, những đề tài, tư liệu hình ảnh đều được các phóng viên, nhà báo chia sẻ, cùng bàn bạc để có tác phẩm hay nhất về Trường Sa.

Trường Sa hôm nay đã gần hơn với đất liền, thông tin vẫn ngày đêm đi về giữa hai đầu thương nhớ. Báo chí vẫn luôn là nhịp cầu nối, mỗi nhà báo, phóng viên đến với Trường Sa như những cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền với quân và dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc, bồi đắp thêm niềm tự hào về biển đảo quê hương.

Ghi chép của Phương Hoa

Biển đảo là quê hương