Ghi nhận Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm

03/06/2024 20:19 Số lượt xem: 87
Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) được triển khai hằng năm tạo sự quan tâm, chú ý, phát huy ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như chính quyền các cấp đối với vấn đề bảo đảm ATTP. Tháng Hành động năm nay ghi nhận những chuyển biến tích cực trong kết quả thanh tra, kiểm tra cơ sở cũng như nâng cao nhận thức và vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP (BCĐ) cấp huyện, xã trong hoạt động này.

Dù đã thành hoạt động thường niên, các địa phương vẫn chú trọng triển khai các nội dung hoạt động của Tháng Hành động vì ATTP. BCĐ tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 4 BCĐ huyện, thị xã, thành phố. Theo đánh giá của Ban Quản lý ATTP - Cơ quan thường trực BCĐ tỉnh, BCĐ các cấp thường xuyên được củng cố và kiện toàn; các hoạt động phối hợp liên ngành được tăng cường, đẩy mạnh và được tổ chức có hiệu quả; có sự tham gia, phối hợp ngày càng chủ động của các cấp, ngành, được nhân dân hưởng ứng.

 

Kiểm tra kết hợp tuyên truyền thực hiện các quy định pháp luật về ATTP.


Lễ phát động cấp tỉnh năm nay tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Luy Lâu, thị xã Thuận Thành, nội dung tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật ATTP và các quy định của pháp luật về ATTP, đặc biệt chú trọng quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn. Ban Quản lý ATTP tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 34 lớp tập huấn kiến thức về ATTP với gần 4,4 nghìn người tham gia, phát gần 3 nghìn tờ rơi; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 287 cuộc truyền thông, tập huấn về sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cho gần 27,8 nghìn người; 165 cuộc sinh hoạt hội viên lồng ghép nội dung tuyên truyền về ATTP; phát 1,5 nghìn tờ rơi, cấp phát và treo 134 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các trục đường chính trên địa bàn tỉnh, huyện, xã; phối hợp với Đài PT-Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đưa 76 tin, bài, phóng sự, phim tài liệu về ATTP; thực hiện tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh huyện 385 lượt, tiếp âm trên đài phát thanh xã gần 4,9 nghìn lượt...
Song song với đa dạng hoạt động truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng loạt ở các địa phương nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp; thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ở tất cả các tuyến, đã có gần 2,2 nghìn lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn, nhỏ được kiểm tra. Qua đánh giá, số cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về chiếm 88%, số cơ sở chấp hành chưa tốt chiếm 12%, 18 cơ sở có vi phạm bị phạt tiền với tổng số tiền phạt hơn 105 triệu đồng, bình quân mỗi cơ sở bị phạt 5,8 triệu đồng. So sánh với kết quả của Tháng Hành động năm 2023 có thể thấy công tác kiểm tra ATTP toàn tỉnh năm nay quyết liệt hơn với số cơ sở được kiểm tra năm 2024 tăng gấp 1,09 lần so năm 2023 (năm 2023 kiểm tra gần 2 nghìn cơ sở), số cơ sở vi phạm bị phạt tiền cao gấp hơn 1,2 lần, số tiền phạt cao gấp 1,5 lần (năm 2023 xử phạt 15 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 69 triệu đồng).
Mặc dù nhiều chuyển biến về bảo đảm ATTP được ghi nhận trong Tháng Hành động vì ATTP, song qua công tác kiểm tra cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Công tác kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, đúng hướng dẫn tại các văn bản của tỉnh, song trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở mới đăng ký hoạt động trong năm, cơ sở cung cấp suất ăn với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh nhưng không được phê duyệt trong danh sách được thanh tra, kiểm tra, dẫn đến khó khăn trong đánh giá chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các đơn vị này, do đó, tỷ lệ cơ sở được kiểm tra so với số cơ sở được quản lý trên địa bàn còn thấp.
Hoạt động quản lý ATTP ở cấp xã, phường còn hạn chế; một số nơi, chính quyền cơ sở chưa chủ động vào cuộc. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại cấp xã còn yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng, cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn. Việc ký cam kết bảo đảm ATTP của các hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nhỏ lẻ chưa được triển khai đồng bộ. Số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về ATTP tập trung chủ yếu ở tuyến xã, phường, thị trấn (220/255 cơ sở có vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh) nhưng việc xử lý các cơ sở có vi phạm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nên hiệu quả của công tác kiểm tra chưa cao.
Việc chấp hành các quy định của cơ sở, ý thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn hạn chế, thể hiện ở công tác vệ sinh còn kém, chưa trang bị đầy đủ dụng cụ dùng cho sơ chế, chế biến. Hoạt động kiểm tra có thông báo trước cho cơ sở, đặc biệt là các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể, kinh doanh nhà hàng... dẫn tới tính khả thi trong việc phát hiện các hành vi vi phạm tại chỗ còn thấp. Kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố còn hạn chế do số lượng các cơ sở kinh doanh loại hình này nhiều, thời gian hoạt động thường vào các khung giờ chiều, tối, đêm khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
ATTP có ý nghĩa quan trọng đối với cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Bảo đảm ATTP còn góp phần bảo đảm năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội… Do đó, đây là nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ lâu dài và cần thêm nhiều giải pháp, nhóm giải pháp thực hiện liên tục, quyết liệt, hiệu quả.

Việt Hoa

An toàn thực phẩm