Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

28/07/2024 18:49 Số lượt xem: 490
Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một nội dung quan trọng trong lộ trình hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đặc biệt coi trọng.

Hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Như Mừng ở Thị Thôn, xã Hán Quảng, thị xã Quế Võ hiện duy trì 27 chuồng nuôi cá lồng trên sông Đuống. Anh Trương Văn Tài, đại diện hộ kinh doanh cho biết, nhờ được thụ hưởng nhiều đợt hỗ trợ về lồng, con giống, thức ăn của tỉnh mà mô hình có lãi suất đều đặn từ 10-15 triệu đồng/năm. “Tham gia mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ về giống, thức ăn. Hiện nay, mô hình chủ yếu nuôi cá lăng đen (cá nheo Mỹ), sử dụng thức ăn của đơn vị cung cấp được kiểm nghiệm, ký kết hợp đồng với thương lái để bảo đảm đầu ra, bình quân từ một tháng đến tháng rưỡi xuất một chuồng” - anh Tài cho biết.
Đây là một trong 3 mô hình điểm sản xuất ban đầu an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh triển khai trong giai đoạn 2020-2022. Hai mô hình còn lại là mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình) với diện tích 2,5ha và mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAPH theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với hộ ông Đào Viết Tiến (xã Phù Lương, thị xã Quế Võ).

 

Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh tham quan một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Gia Bình.


Quản lý ATTP được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó quản lý ATTP theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu cho đến người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng, ATTP. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích đất nông nghiệp giảm, song giá trị sản xuất theo giá thực tế liên tục tăng. Cuối năm 2020, Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành và các sở, ngành tích cực triển khai trong bối cảnh việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn chậm, các sản phẩm thực phẩm của chuỗi chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ sản lượng tiêu thụ thực phẩm hằng năm của người dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm để truy suất nguồn gốc thực phẩm chưa được ứng dụng rộng rãi, sản lượng thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm của các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn hạn chế do chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm đến sản xuất thực phẩm an toàn. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao…
Nhận thức rõ điều đó, Ban Quản lý ATTP tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đến nay, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã xác nhận được 97 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn về: Rau, củ, quả, thịt lợn, trứng, thủy, hải sản… cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

 

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Như Mừng được các cấp, ngành hỗ trợ nhiều đợt.


Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn cũng góp phần giúp cho cơ quan quản lý ATTP quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất thực phẩm, cung ứng suất ăn... Thực tế tại một số doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn như: Công ty Chế biến thực phẩm Dabaco; Công ty TNHH Việt Farm chi nhánh miền Bắc, Công ty TNHH Hương Việt Sinh,… nhận thấy việc xây dựng chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn thực phẩm an toàn, kiểm soát được chất lượng.
Bảo đảm ATTP nông, lâm, thuỷ sản trong sản xuất ban đầu có vai trò quan trọng nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa bệnh tật. Toàn tỉnh hiện duy trì hơn 10 nghìn ha cây rau màu, song mới chỉ có trên 500ha sản xuất theo VietGAP và theo hướng an toàn. Gần 2,2 nghìn cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm, gần 1 nghìn cơ sở chăn nuôi gia cầm thương phẩm ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, song hoạt động giết mổ, vận chuyển, bày bán, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y với các sản phẩm thịt, thủy sản nhìn chung vẫn còn yếu kém do hầu hết cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện còn thô sơ, hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa bảo đảm nên nhìn chung chưa thực hiện tốt các quy định về điều kiện vệ sinh thú y và ATTP.
Để bảo đảm ATTP từ trang trại tới bàn ăn, cần thực hiện tốt tất cả các khâu, bắt đầu từ nuôi trồng, sơ chế, kinh doanh cho đến chế biến thực phẩm. Các biện pháp bảo đảm ATTP như: Hướng dẫn, cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, ký cam kết bảo đảm ATTP, kiểm tra, giám sát… cần được thực hiện đồng bộ. Để tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi bảo đảm ATTP, cần triển khai giải pháp về quản lý ở các cấp, giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật, đầu tư và hỗ trợ sản xuất cũng như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Việt Hoa

An toàn thực phẩm