Hiệu quả “Chợ đảm bảo an toàn thực phẩm”

28/07/2024 18:59 Số lượt xem: 322
Sau 1 năm triển khai, mô hình “Chợ đảm bảo an toàn thực phẩm” (ATTP) thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng (huyện Tiên Du) thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí về vệ sinh ATTP, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chợ văn minh, hiện đại.

Xã Đại Đồng có 2 khu công nghiệp tập trung (Đại Đồng - Hoàn Sơn và VSIP Bắc Ninh), với dân số khoảng 35.000 người, trong đó có hơn 14.000 dân bản địa và hơn 20.000 lao động nhập cư. Với nhu cầu cao về hàng hóa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ tại địa phương ngày càng phát triển. Xã có 5 chợ bán lẻ, hơn 2.000 hộ kinh doanh, với khoảng hơn 200 hộ bán thịt gia súc, gia cầm, thuỷ cầm, thuỷ, hải sản các loại, 100 hộ bán bún, bánh, 300 hộ bán rau và hơn 1.000 hộ kinh doanh các mặt hàng khác. Riêng thôn Đại Thượng có 710 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu và hơn 4.600 công nhân thuê trọ, thôn có chợ tạm với gần 200 hộ kinh doanh, buôn bán. Chợ Đại Thượng, nơi mô hình điểm “Chợ đảm bảo ATTP” được triển khai vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất. Địa điểm họp chợ dễ bị ngập vào mùa mưa, hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc duy trì công tác vệ sinh. Nhiều gian hàng thiếu các thiết bị cần thiết như: Tủ bảo quản thực phẩm, dụng cụ chứa rác an toàn và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm mà còn đe dọa an toàn cho cả người mua, người bán.
Nắm bắt được thực trạng và nhu cầu của hội viên và nhân dân, mô hình được triển khai, đến nay có sự tham gia của 62 thành viên là hội viên, phụ nữ các hộ gia đình đang buôn bán, kinh doanh tại khu vực chợ. Qua một năm triển khai cho thấy, mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của hội viên, các nữ tiểu thương (đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh tại khu vực chợ gần các Khu công nghiệp trong việc tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh ATTP, gắn với các tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm ATTP.
Ngoài việc cấp phát tờ rơi, tổ chức truyền thông, Hội LHPN tỉnh, huyện tổ chức 3 lớp tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh là thành viên của mô hình đảm bảo các điều kiện về ATTP như: Có hệ thống cống rãnh kín, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh; dụng cụ chứa rác thải phải có nắp đậy và được thu gom xử lý hàng ngày; khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm được chia theo nhóm hàng riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo; đồng thời có khu giết mổ gia cầm riêng, cách khu bày bán thực phẩm ít nhất là 10m sử dụng…
Chị Đới Thị Thanh, Chủ nhiệm mô hình “Chợ đảm bảo ATTP” cho biết: Ban Điều hành mô hình tổ chức sinh hoạt định kỳ ít nhất 3 tháng/lần với các nội dung về: Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin các vấn đề thời sự, các sự kiện, chính sách liên quan đến phụ nữ, các vấn đề về ATTP; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; tác hại của việc sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn sử dụng… Vận động 100% tiểu thương tham gia giữ gìn vệ sinh tại điểm kinh doanh và trong chợ; tổ chức tự thu gom rác thải và tập kết đúng nơi quy định nhằm đảm bảo vệ sinh trong quá trình kinh doanh, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực kinh doanh, đảm bảo sức khỏe. Các thành viên có trách nhiệm xây dựng mô hình đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực tham gia và tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng… Ngoài ra, Ban Điều hành mô hình quan tâm, kết nối nguồn cung thực phẩm đảm bảo an toàn từ các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, các sản phẩm của Tổ phụ nữ không sử dụng chất cấm, hóa chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm phục vụ người tiêu dùng những thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, mô hình bước đầu đạt được mục tiêu đề ra, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ và nhân dân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban điều hành chợ và các tiểu thương trong việc thực hiện các quy định ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực. 100% thành viên ký cam kết cam kết thực hiện đúng 3 tiêu chí của mô hình về: ATTP, bảo vệ môi trường và văn hóa trong giao thương. Có 45/62 thành viên đạt tiêu chí về ATTP (72,6%); 58/62 thành viên đạt tiêu chí về bảo vệ môi trường (93,5%); 62/62 thành viên đạt tiêu chí văn hóa trong giao thương (100%).
Việc duy trì và nhân rộng mô hình “Chợ đảm bảo ATTP” là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, cùng sự thay đổi từ nhận thức và hành động của các tiểu thương và nhân dân, tin rằng mô hình không chỉ thành công mà còn được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

Thu Huyền

An toàn thực phẩm