Gìn giữ nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo

23/11/2023 19:24 Số lượt xem: 817
Thành lập được hơn 1 năm nhưng CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn đã trở thành sân chơi bổ ích, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên, nhất là người khiếm thị, góp phần phát huy, gìn giữ bộ môn nghệ thuật với nhiều giá trị độc đáo.

CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn thành lập tháng 6 năm 2022 với gần 20 thành viên. Người đưa ý tưởng thành lập CLB là Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1999 cũng là chủ nhiệm CLB chia sẻ: Em sinh hoạt ở nhóm Xẩm Tâm Việt của Trung tâm mái ấm Đông Đô Hà Nội, bởi yêu môn nghệ thuật này từ khi mới 6 tuổi được nghe qua đài Tiếng nói Việt Nam. Các làn điệu của hát Xẩm đi vào lòng người, cuốn hút người nghe như kể một câu chuyện đời thực. Sinh hoạt ở nhóm Xẩm Tâm Việt, được nghệ nhân dân gian hát Xẩm Đào Bạch Linh truyền dạy rất tâm huyết, em đã về trao đổi với Hội Người mù thành phố Từ Sơn mở lớp tại địa phương cho các hội viên cùng học.
Hát Xẩm là loại hình dân ca, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, có lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Tương truyền Xẩm ra đời từ rất sớm, cách đây hơn 700 năm, vào khoảng thế kỷ thứ XIV, khác hoàn toàn với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đó là một nghề đàn ca kiếm sống của người khiếm thị. Thế kỷ XX, vào những năm 70, loại hình nghệ thuật này đã có lúc mai một rồi dần đi vào quên lãng, hát Xẩm tưởng chừng như đã thất truyền. Qua thời gian dài vắng bóng, gần đây hát Xẩm đã được những nghệ sĩ yêu âm nhạc truyền thống tập trung khôi phục.
Nghệ nhân dân gian hát Xẩm Đào Bạch Linh đến từ Hải Phòng, người có công truyền dạy cho CLB hát Xẩm thành phố Từ Sơn cho biết: Hát Xẩm khác với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Xẩm không phải là loại hình diễn xướng, bởi người hát chỉ ngồi chơi nhạc và hát kể ra một câu chuyện, giải tỏa những tâm tư, tình cảm của con người, là tiếng nói của đời, của xã hội. Đây là môn nghệ thuật có tính truyền thông, thời sự, mang tính giáo dục đạo đức nhân văn sâu sắc, các làn điệu có nội dung ca ngợi công cha, nghĩa mẹ, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa hay châm biếm thói hư, tật xấu… Bằng những ca từ, nhịp điệu mộc mạc, giản dị, hát xẩm đã trở thành món ăn tinh thần của người dân Việt từ bao đời nay.

 

CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn tập luyện trước ngày biểu diễn.


CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn sinh hoạt một tuần 2 buổi với sự truyền dạy miễn phí của nghệ nhân Đào Bạch Linh, đến nay các thành viên đã thuộc 8 làn điệu hát Xẩm chính với khoảng hơn 20 bài như: Chân quê, Tương tư, Răng sáng vườn chè, Thập ân phụ mẫu, Hà liễu… Bộ nhạc cụ để hát xẩm gồm đàn nhị, đàn bầu, trống, phách... Về thể loại, có Xẩm chợ (hát tại nơi công cộng như chợ búa, bến tàu, bến xe); Xẩm nhà trò hay nhà tơ (hát tại hàng quán, tại tư gia), Xẩm huê tình (hát giao duyên), Xẩm thập ân (kể công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy). Có thể nói, xẩm đã trở thành một trong những điểm sáng trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Theo nghệ nhân Đào Bạch Linh, cái khó của hát Xẩm là người hát cùng lúc phải chơi được cả nhạc cụ, vừa hát vừa đàn. Vì vậy, để học được hát Xẩm thì người học cần có thời gian, sự kiên trì và niềm đam mê.  
Dù mới thành lập được hơn một năm nhưng CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn đã có những thành tích đáng khích lệ. Vừa qua, tại Liên hoan hát Xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng với 20 đoàn tham gia, hơn 200 diễn viên, nhạc công. Đoàn Bắc Ninh tham gia 3 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục đạt giải Khuyến khích là: “Ơn nghĩa sinh thành” đơn ca Nguyễn Văn Nam; “Còn duyên chớ có làm cao” song ca Trần Thu Hà, Nguyễn Thị Hợp.
Nhạc sĩ Ngọc Lương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh) cho biết: Vừa qua, tôi trực tiếp được giao nhiệm vụ đưa CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn đi tham gia Liên hoan hát Xẩm tại Ninh Bình, thực sự kết quả mà Đoàn Bắc Ninh đạt được là một điều bất ngờ với Ban Giám khảo và các đơn vị khác, bởi chất lượng rất tốt. Trong kho tàng văn nghệ dân gian, hát Xẩm là loại hình âm nhạc giàu tính nhân văn và sở hữu nhiều giá trị độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật. Đó là tập hợp của rất nhiều những giá trị tinh thần mà hát Xẩm đem lại: Giá trị liên kết, tuyên truyền trong cộng đồng; giá trị trong ca từ; hướng về cội nguồn; giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ có kế hoạch, định hướng để khôi phục, gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật hát Xẩm trong cộng đồng.
Từ thuở sơ khai, Xẩm thường được hát bởi những người khiếm thị, người dân nghèo kiếm tiền mưu sinh tại những khu chợ đông người qua lại. Họ đem những lời ca, tiếng hát mộc mạc và dung dị đến gần hơn với mọi tầng lớp trong xã hội. Khi xã hội ngày một phát triển, cuộc sống có phần ổn định thì hát Xẩm càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người biết đến, không chỉ dừng lại là loại hình âm nhạc của người khiếm thị mà còn được người sáng mắt yêu thích thực hành. Từ một nghề kiếm sống phục vụ những tầng lớp trên, Xẩm dần ăn sâu vào tiềm thức của bất kì ai đã từng được nghe qua những giai điệu ấy, như có một sức hút mạnh mẽ thúc giục người nghe phải yên lặng để thưởng thức.
Ngày nay, hát Xẩm có sự biến đổi trong góc nhìn của nhiều thế hệ và người trẻ đã cho thấy những cách tiếp cận mới cùng quan điểm đa dạng về xẩm để tiếp nối giá trị mà nó để lại. CLB Hát Xẩm thành phố Từ Sơn đã góp phần tiếp nối, phát huy nghệ thuật hát Xẩm-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong cuộc sống đương đại.

Minh Hường