Sức sống mới trên vùng quê cách mạng

26/09/2018 15:27 Số lượt xem: 1586
Về xã Song Liễu (Thuận Thành) vào những ngày thu tháng Tám lịch sử, đi khắp mọi nẻo đường làng, tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, “khoác” lên mình tấm áo mới bởi những cánh đồng xanh ngát, những con đường bê tông trải dài, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát.

Song Liễu ngày ấy
Nằm về phía Tây Nam huyện Thuận Thành, phía Tây và Đông Nam giáp Hà Nội và Hưng Yên. Theo sử cũ ghi lại, Song Liễu kề sát thành Luy Lâu-Long Biên nên từ thời phong kiến thuộc các triều đại phong kiến có nhiều trai tráng  của Liễu Khê (nay là một thôn của xã Song Liễu) tham gia chống quân xâm lược phương Bắc.
Khi thực dân Pháp chiếm đánh, dưới chính sách cai trị tàn bạo của chúng, đời sống nhân dân Song Liễu trước cách mạng vô cùng cực khổ, nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với những thủ đoạn lừa bịp về chính trị, văn hóa, thực dân Pháp còn cấu kết với bọn địa chủ, quan lại tay sai ra sức bóc lột nhân dân, đẩy nông dân vào con đường bần cùng hóa. Ruộng đất chủ yếu do địa chủ chiếm giữ, nông dân phải đi làm thuê, làm mướn. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế (thuế thân, thuế điền, thuế muối, thuế chợ…), dùng tay sai cho vay nặng lãi, cướp bóc tài sản... Chúng tuyên truyền chính sách phản động, kìm hãm giáo dục phát triển, y tế không được quan tâm tới… dẫn tới hậu quả năm 1945, cả xã có trên 90% người mù chữ, tuổi thọ của nhân dân trong xã rất thấp, dưới 50 tuổi…
Năm 1940, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong xã và sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Liễu Khê được thành lập với 5 đảng viên. Năm 1946, 2 thôn Liễu Khê và Liễu Lâm được hợp nhất thành xã Song Liễu. Với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Song Liễu đã vượt qua mọi áp bức, xây dựng thành địa bàn hoạt động bí mật của nhiều cơ quan Trung ương, cán bộ cao cấp của Đảng như “Báo Cứu quốc”, “Báo Cờ giải phóng”, “Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Bí thư Trường Chinh… Song Liễu trở thành “làng đỏ”, chi bộ Liễu Khê được đánh giá là chi bộ mạnh nhất tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1946, Song Liễu được Tổng bộ Việt Minh tặng Bằng khen và Đồng tiền vàng; nhiều cán bộ, đảng viên, quân dân du kích được Nhà nước tặng Bằng có công với nước, Kỷ niệm chương, Huân huy chương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nhằm ghi nhận những công lao của cán bộ, nhân dân Song Liễu góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Diện mạo mới hôm nay
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Những năm qua Đảng ủy, UBND xã tập trung vận động nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng đưa lúa lai và lúa chất lượng cao vào đồng ruộng, tu bổ, nâng cấp hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, năng suất lúa bình quân đạt 62,28 tạ/ha; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn”.

Thôn Liễu Khê, Song Liễu (Thuận Thành) hôm nay.

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt hơn 17 tỷ đồng, đạt 48,8% so với kế hoạch năm; tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã là 16.035 con.Cùng với phát triển nông nghiệp, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng, dịch vụ, vận tải có bước phát triển mạnh, đến nay toàn xã có 348 hộ tham gia ngành nghề công nghiệp, 108 hộ xây dựng, 52 hộ vận tải, 316 hộ thương nghiệp, 113 hộ dịch vụ, góp phần vào thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Bộ mặt nông thôn của Song Liễu ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.Hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa, nơi sinh hoạt tín ngưỡng được đầu tư xây dựng.Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 2,05%, giảm 0,9% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại trừ. Tính đến cuối năm 2017, toàn xã có 90,4%  hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 4/5 thôn đạt và giữ danh hiệu làng văn hóa, đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới.  Tình hình trật tự, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Phát huy tinh thần yêu nước với truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân xã Song Liễu không ngừng nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực, người dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thi đua thực hiện các phong trào, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Trần Thư

Bắc ninh xưa và nay