Các vị đại khoa làng Đồng Đông

09/07/2024 20:42 Số lượt xem: 422
Làng Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành xưa còn gọi là Cự Đồng Trang, Đồng Trại thuộc tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An. Trải trường kỳ lịch sử, nơi đây nổi tiếng là đất khoa bảng hiếu học với tên tuổi các vị đại khoa tài cao đức trọng làm rạng danh nền khoa cử Hán học nước nhà.

Đình làng Đồng Đông nơi lưu giữ bia đá “Mai bảng tiêu phương” ghi chép tên tuổi 7 vị đại khoa của làng.

 

Tại đình làng Đồng Đông hiện còn lưu giữ tấm bia đá Hậu kị bi ký/ Mai bảng tiêu phương dựng năm Thành Thái Canh Tý 1900. Nội dung văn bia ghi chép họ tên, thụy hiệu, chức danh của 7 vị đỗ Tiến sĩ của làng gồm có:
Hoàng giáp Nguyễn Cẩn Liêm đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 8) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng xuất thân từ chân Giám sinh, 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 19) khoa Nhâm Tuất niên hiệu, Cảnh Thống 5 (1502). Theo gia phả, ông là con trai Nguyễn Cẩn Liêm, tên tự là Thiếu Lâm, thụy Trung Kích. Ông làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Lại, tước Phong Nghi bá, có 2 con trai đều có danh, con lớn là Nguyễn Huê Đức làm Thừa Chính sứ Sơn Nam, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu rồi thăng Công bộ Hữu thị lang, Thái Bảo, tước Nghĩa Giáo bá, con thứ 2 là Nguyễn Trọng Hiệu.
Hoàng giáp Nguyễn Trọng Hiệu (1486 - 1559) xuất thân từ chân Nho sinh trúng thức, là con thứ 2 của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, hiệu là Đức Trai, thụy là Đoan Mẫn. Năm 29 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 6) khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực. Ông làm quan với nhà Lê đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước Bá. Sau làm quan cho nhà Mạc đến Hàn lâm viện, Quốc tử giám Tế tửu (tương tự như chức hiệu trưởng sau này), tước Hầu tới lúc nghỉ hưu, mất ở quê nhà, mộ táng tại cánh đồng thôn Á Lữ.
Tiến sĩ Nguyễn Công Nghị là con rể của Nguyễn Trọng Hiệu. Xuất thân Giám sinh, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 6) khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu 5 (1520) đời Lê Chiêu Tông, từng được cử đi sứ phương Bắc. Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Binh, tước Đạt lễ bá.
Hoàng giáp Nguyễn Ưng, xuất thân từ chân Giám sinh, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 21) khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức 24 (1493) đời Lê Thánh Tông làm quan đến chức Thượng thư.
Hoàng giáp Nguyễn Tiến đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức 24 (1493) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư.
Tiến sĩ Đoàn Tuấn Hòa sinh năm Nhâm Tuất 1622 (có sách chép là Nguyễn Tuấn Hòa), năm 13 tuổi đỗ Hương cống, 29 tuổi thi Hội. Năm 55 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 10) khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676) đời Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Binh, tước Nam. Do quản lý binh lính sai luật, bị biếm xuống bộ Hộ. Sau lại được dùng, thăng lên chức Tự khanh, tước Tử, năm 75 tuổi về chí sỹ. Sách Liệt huyện đăng khoa chép: ông làm Đốc trấn Cao Bằng, đến châu Lộc Bình của người Thanh, đàm đạo về biên giới, thăng Hữu thị lang bộ Binh, nhập thị bồi tụng, 75 tuổi về trí sỹ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Đoàn Tuấn Hòa… lấy chức Tham sự cầm binh đánh họ Mạc ở Cao Bằng, bình định được 4 châu là Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm, Quảng Uyên. Lưu lại ở Cao Bằng làm Tham đốc. Sau đổi tên là Tuấn Khoa. Đời Chính Hòa làm Đốc đồng Cao Bằng. Năm Chính Hòa thứ 10 (1689) ông đến châu Lộc Bình, Lạng Sơn hợp đồng với phái bộ nước Thanh định lại biên giới đòi lại được đất thôn Na Oa và 7 thôn trước kia thuộc châu Tư Long nước Thanh, lập mốc làm tiêu chí, sau thăng Hữu thị lang bộ Hộ.
Với những công lao to lớn của mình, các vị đại khoa làng Đồng Đông được sử sách lưu danh, được khắc bia đá tại văn miếu Bắc Ninh và đình làng. Tên tuổi của họ còn được ghi trong gia phả thờ tại từ đường (nhà thờ) của các gia tộc, là niềm vinh dự và tự hào của các thế hệ con cháu và người dân làng Đồng Đông, góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

An Ngọc, Bảo tàng Bắc Ninh

Bắc ninh xưa và nay