Văn bia “Hưng Nghiêm tự bi” chùa Quế Ổ

11/07/2024 20:53 Số lượt xem: 461
Chùa Quế Ổ tên chữ là “Hưng Nghiêm tự” xưa nằm ở phía Tây Nam làng Quế Ổ (nay là khu vực trường THCS xã Chi Lăng, thị xã Quế Võ). Chùa có lịch sử xây dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) được trùng tu, tôn tạo quy mô lớn gồm nhiều hạng mục kiến trúc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa bị phá hủy hoàn toàn, đến năm Canh Thìn (2000) nhân dân xây dựng lại ngôi chùa mới ở phía Đông của làng giáp với đê sông Đuống.

Tấm bia “Hưng Nghiêm tự bi" niên đại năm 1669

Chùa có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Toàn bộ hệ thống tượng Phật và đồ thờ tự đều mới được tạo tác sau này. Tại chùa Quế Ổ hiện còn lưu giữ được 4 tấm bia đá có giá trị gồm: “Từ vũ bi ký” ghi chép việc xây dựng Từ vũ tổng Đại Toán, huyện Quế Dương xưa, nội dung văn bia do Tán lý quân vụ Nguyễn Cao (1837 - 1887) người xã Cách Bi soạn năm Tự Đức 35 (1882), “Bản tự bi ký” khắc năm Khải Định 9 (1924) và một tấm bia hậu Phật niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18 hiện đã mờ hết chữ. Trong đó đặc biệt giá trị nhất là tấm bia “Hưng Nghiêm tự bi” khắc năm Cảnh Trị 7 (1669) dưới đời vua Lê Huyền Tông.
Tấm bia hình chữ nhật, được chế tác bằng đá xanh nguyên khối, dạng dẹt, kích thước khá lớn, cao khoảng 170cm, rộng 115cm, dày 23cm, gồm hai mặt: mặt trước, phần trán bia trang trí chạm nổi 3 băng hoa văn: lưỡng long chầu nhật, hoa cúc, cánh sen đứng, chính giữa khắc nổi dòng chữ “Hưng Nghiêm tự bi” (Bia chùa Hưng Nghiêm). Mặt sau, phần trán bia trang trí phượng chầu mặt nguyệt, hoa cúc, cánh sen đứng, chính giữa khắc nổi dòng chữ “Nghĩa điền ký” (Ghi chép ruộng nghĩa điền). Diềm bia xung quanh trang trí đao lửa, hoa cúc dây xen lẫn ô trám lồng, cánh sen. Lòng bia cả 2 mặt đều khắc chữ Hán, thể chân phương còn khá rõ nét. Nội dung chính ghi chép lai lịch, công trạng của người đứng ra hưng công trùng tu, tôn tạo và quy mô kiến trúc chùa Quế Ổ cùng tên họ những người cúng dường ruộng đất cho nhà chùa.
Phần đầu văn bia cho biết: “…Nay có vị Chánh Vương phủ Thị nội Cung tần Ưu bà di Nguyễn Thị Ngọc Bạch, hiệu Diệu Thời là người xã Quế Ổ, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc… (Bà) nổi tiếng là người xinh đẹp có đức lớn bao dung ôn hòa. Đến tuổi cập kê được sủng hạnh chốn cung cấm, nhận được nhiều ưu ái từ nhà Chúa, một lòng trung hiếu cung kính, đẹp như vì sao sáng, dáng vẻ đôn hậu vậy. (Bà) theo hầu Văn Tổ Nghị Vương (tức Thanh Đô Vương Trịnh Tráng) được coi như vật báu trong thiên hạ, đến lúc ngài mất vẫn giữ nguyên tiết hạnh. Khi tuổi già trở về quê hương với tấm lòng trong sáng như đóa hoa sen, (Bà) đã giáo hóa, quyên góp mưu dựng lên chùa Hưng Nghiêm nhà điện lộng lẫy, trở thành danh lam ở vùng đất Quế Dương. Dựng lên 5 cấp đài bằng đá sừng sững đối với đỉnh núi Lãm Sơn hòa nhập vào bức tranh cửa thiền nơi rừng núi…”.
Mặt sau văn bia cho biết: “…Chánh Vương phủ Thị nội Cung tần Ưu bà di Nguyễn Thị Ngọc Bạch, hiệu Diệu Thời lại bỏ tiền riêng ra mua 10 mẫu 3 sào ruộng cúng dường Tam bảo làm ruộng hương hỏa đời đời…”. Đặc biệt, đứng đầu danh sách hưng công trùng tu thượng điện và đúc chuông đồng chùa Hưng Nghiêm là Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung giữ chức Tiền kính kỳ cai kỳ quan Đô đốc Đồng tri, vợ cả là Vương tử Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu Diệu Trí cùng lập “hậu Phật” cho thân phụ, thân mẫu của ông là: Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đông quân Đô đốc phủ gia tặng Thái bảo Hào Quận công Nguyễn Tướng công, tự Uy Dũng, thụy Khoan Hậu phủ quân. Chánh phu nhân gia phong Quận phu nhân Nguyễn Thị, hiệu Vĩnh Tiến huyền quân.
Bia được lập vào ngày tốt, tháng 3, niên hiệu Cảnh Trị thứ 7 (1669) triều Lê. Nội dung do Thôn sĩ Nguyễn Khả Nhâm người huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc soạn. Huyện thừa huyện Đường An, Thiện lộc Nam Nguyễn Viết Quý người xã Đại Bái, huyện Gia Định, phủ Thuận An khắc.
Văn bia “Hưng Nghiêm tự bi” ở chùa Quế Ổ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Nội dung ghi chép trên văn bia cho biết chi tiết quy mô, thời gian trùng tu, tôn tạo các hạng mục kiến trúc chùa Quế Ổ vào giữa thế kỷ XVII. Văn bia còn cung cấp thông tin chính xác về chức tước, địa vị, tên thụy, hiệu của hai cha con Hào Quận công Nguyễn Đức Nghiệp và Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung thuộc dòng họ Nguyễn Đức nổi tiếng “to và mạnh” nhất ở trấn Kinh Bắc xưa. Ngoài ra, đề tài hoa văn trang trí, chạm khắc trên văn bia góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc tạo hình bia đá trong các công trình tín ngưỡng, tôn giáo dưới thời Lê Trung Hưng.    

Nguyễn Văn An, Bảo tàng Bắc Ninh

Bắc ninh xưa và nay