Lễ hội làng Châm Khê

29/09/2024 20:19 Số lượt xem: 124
Làng Châm Khê xưa có tên gọi là làng Bùi, thuộc xã Châm Khê, tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, nay là khu phố Châm Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Từ xưa, Châm Khê nổi tiếng với nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá Quan họ, nhất là tục hát Quan họ tại hội làng.

Trong cuốn “Không gian văn hóa Quan họ”, tác giả Lê Thị Chung cho biết: Vốn là một làng cổ, Châm Khê còn lưu giữ được một ngôi đình từ thời Lê, một ngôi chùa có tên Thiên Phúc tự cũng được xây dựng từ thời Lê. Đặc biệt tại chùa còn lưu giữ một bản thần phả Gia Long bát niên chuẩn y phụng sự (1809) cho Mẫu Liễu Hạnh và hai đạo sắc phong năm 1809, 1850. Ngoài ra làng còn một ngôi chùa nữa gọi là Khánh Linh tự, xưa là Linh Am tự nằm ở địa phận xóm Đống được xây dựng vào thời Lê.
Hội làng Châm Khê là hội chùa mở từ 23 đến 28 tháng Giêng. Đặc biệt có lễ Tắm Phật vào ngày 23 tháng Giêng, nhưng nước dùng tắm Phật phải lấy ở giếng đền Mẫu nằm ở bãi soi giữa sông Ngũ Huyện. Vì vậy làng làm lễ rước nước từ giếng đền Mẫu về chùa.
Tham gia vào lễ rước là 10 cô gái tân, ăn mặc lễ phục ngày hội chèo thuyền rồng ra đền Mẫu theo nhịp trống của một cụ già và trên nhiều chiếc thuyền khác, cứ từng đôi một, một thuyền nam và một thuyền nữ vừa bơi thuyền vừa hát Quan họ. Khi thuyền ra tới đền mẫu, đôi chum được khiêng đặt gần bờ giếng, trai gái Quan họ đứng thành hai hàng và người ở đầu hàng cầm gáo đồng múc nước. Gáo nước được truyền từ người này qua người kia và người cuối cùng đổ nước vào chum trong tiếng hát Quan họ. Khi hai chum đã đầy nước, người ta khiêng lên thuyền rồng, chèo trở lại bờ và đưa lên chùa để tắm Phật. Sau đó đám thuyền chở trai gái Quan họ hát quanh bãi Soi. Họ hát đối đáp với nhau cho đến tối mới thôi.
Chính hội chùa Bùi là 28 tháng Giêng. Hoạt động bao trùm trong ngày là sinh hoạt văn hóa Quan họ. Từ trung tâm hội (chùa Bùi) đến các ngõ xóm, đâu đâu tràn ngập không khí Quan họ. Ở trung tâm hội chùa Bùi, các cụ bà trong làng, sau khi lễ phật xong sẽ tụng kinh và kể hạnh. Kể hạnh ở đây cũng theo làn điệu Quan họ. Khách thập phương đi lễ phật xong cũng ngồi xuống chiếu hát Quan họ hầu phật. Từng bọn Quan họ nam nữ ở các làng xung quanh như Trà Xuyên, Khúc Toại... rủ nhau đi chơi hội, họ gặp nhau rồi tụ tập quanh chùa, hát đối đáp với nhau, có khi họ rủ nhau lên sườn đê hát đối đáp cho tới chiều tối mới tan.
Các bọn Quan họ kết bạn với nhau thì hát ở trong nhà. Ở Châm Khê có tới bốn bọn Quan họ kết bạn với các bọn Quan họ ở các làng Hạ Giang, Đông Mơi, Đào Xá, Yên Mẫn. Từ sáng tinh mơ các bọn Quan họ đã tề tựu đông đủ ở các nhà chứa để chuẩn bị têm trầu, nước uống, làm cơm thết bạn... Các bọn Quan họ Đào Xá, Hạ Giang, Đông Mơi, Yên Mẫn đi thẳng đến chùa Bùi. Các bọn Quan họ chủ cử đại diện ra chùa đón bạn, đưa bạn vào chùa lễ phật, sang đình thắp hương, sau đó mời về nhà chứa. Đến nhà chứa, Quan họ khách hát chúc mừng hội làng, mừng bạn, Quan họ chủ hát đáp lại và mời bạn vào nhà nghỉ ngơi, uống nước nói chuyện... Tất cả đều bằng câu hát. Tiếp đến mời bạn xơi cơm, chỉ đến tối cuộc hát mới chính thức bắt đầu, hát tới đêm khuya mới nghỉ.
Ngày nay, một số phong tục tập quán của Châm Khê đã có những thay đổi để thích ứng với nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Tuy nhiên, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa Quan họ của Châm Khê vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy.

Vân Giang

Bắc ninh xưa và nay