Hội làng Xuân Ổ

01/10/2024 20:49 Số lượt xem: 90
Làng Xuân Ổ xưa còn gọi là làng Ó. Trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) Xuân Ổ là một xã của tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng gồm 2 thôn: Ưng Xá và Đống Trà, nay là 2 khu phố Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Vốn là một làng cổ, Xuân Ổ còn giữ được cụm di tích đình - đền - chùa. Ngoài ra còn một số công trình như: Nghè hữu thờ Thiên Cang, Nghè tả thờ Tiền lộ tướng quân, Đền Thượng thờ bà Quý Minh. Theo phong tục của làng, mồng 5 tháng Giêng là ngày hội chợ, mồng 6 tháng Giêng là ngày hội chùa, từ mồng 8 đến 11 tháng Giêng là ngày hội đình.
Làng Xuân Ổ có tục tế gà đen cho Thành hoàng. Mọi người tin rằng gà đen nhà nào được chọn làm vật tế, nhà ấy sẽ được hưởng nhiều may mắn trong năm. Vì vậy, các gia đình trong làng và các làng xung quanh thi nhau mang gà đen đến chợ bán với giá rẻ để mong gà của mình được chọn làm vật tế. Chợ bán gà đen họp vào lúc chạng vạng tối mồng 4 tháng Giêng. Theo quan niệm dân gian, đó là lúc âm dương giao tiếp, lúc trao đổi giữa người và ma, giữa cõi âm và cõi dương. Vì thế chợ Ó mồng 4 còn gọi là chợ Âm Dương. Trong ngày chợ này, ngoài gà đen, ai có đồ vật gì cũ kỹ thì đem bán. Người mua không mặc cả. Người bán không đếm tiền. Người bán trao đồ vật, nói số tiền, người mua im lặng trả tiền, gọi là “mua may, bán rủi”.
Tan chợ, từng bọn con trai, con gái rủ nhau từ trước bỗng xuất hiện. Các lều quán trong chợ đỏ đèn lên và xuất hiện các bà già bán hàng trầu nước. Đó chính là các bà già Quan họ. Thế là buổi hát Quan họ ở chợ Ó bắt đầu. Từng bọn con trai mời bọn con gái vào uống nước, xơi trầu. Tất cả đều bằng câu hát. Bà chủ quán cũng hát mời từng bọn con trai, con gái vào hát vui xuân cho dân làng khang thịnh. Trong quán không đủ chỗ thì các bọn chủ nhà trải chiếu ngồi hát ở giữa chợ. Một số bọn thì rủ nhau ra hát ở các thửa ruộng gần đó. Buổi hát kéo dài suốt đêm thì kết thúc. Các bọn Quan họ Thị Cầu, Đào Xá, Hoài Thị, là những bọn Quan họ kết bạn với Quan họ Xuân Ổ, thì được mời về nhà chứa để dự hội xuân, hát canh Quan họ.
Ngày mồng 5 là ngày hội chợ Ó. Người khắp nơi kéo về vừa xem hội, vừa mua giấy, mua lụa, vào chùa thắp hương lễ phật cầu may, xem các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà... Trong ngày hội Ó xưa bao giờ cũng có hát Quan họ. Phổ biến là hát ở ngoài trời, trước cửa chùa Hồng Phúc và hát ở chợ Ó tối mồng 4. Hát canh trong nhà chứa của Quan họ Xuân Ổ với các bọn Quan họ bạn như Hoài Thị, Đào Xá, Thị Cầu. Vào những năm làng mở hội lớn, các cuộc hát canh kéo dài tới 2 ngày 2 đêm.
Ngày mồng 6 là ngày hội chùa với các nghi thức tôn giáo linh thiêng như: Lễ Tam Bảo, làm trò nhà Phật, thắp hương tưởng nhớ tới bà Huệ Nương - Người dạy dân nghề dệt lụa được thờ hậu trong chùa.
Từ ngày 8 đến ngày 11 gọi là ngày đình đám. Trong các ngày đó có các hoạt động tế lễ, rước sách và đón chạ. Đám rước được tổ chức vào sáng ngày 8 tháng Giêng. Hai thôn Đống Trà và Ưng Xá lau chùi, trang hoàng đồ tế khí long ngai, bài vị, sắc phong nghênh rước các vị thần về đình trung dự hội. Đám rước của hai thôn phải chờ nhau ở đầu con đường từ đường quốc lộ đi tới đình làng. Khi hai đám rước gặp nhau, quan viên trong đình ra làm lễ mời các vị thần về hội sở đình làng. Lúc này hai đám rước nhập làm một theo trình tự: long đình bà Quí Minh đi trước, tiếp đến là long đình của Tiền Lộ tướng quân, long đình của đức Thiên Cang đi sau. Đến nơi, ông chủ tế làm lễ đưa bài vị của các Ngài vào hậu cung.
Ngày mồng 9 là ngày làng đón chạ Ném Thượng về dự hội. Ngày 10, lần lượt các giáp vào lễ thần. Ngày 11 tế giã đám, kết thúc hội. Bài vị, nồi hương của các thôn được rước về chốn cũ. Bên cạnh các nghi thức rước, tế lễ, đón chạ còn có hát tuồng cổ ở đền thượng, hát ca trù ở đình chung.
Theo thời gian, nét văn hóa lễ hội của Xuân Ổ có những đổi thay nhất định để thích ứng với thời cuộc. Tuy nhiên, Xuân Ổ cơ bản vẫn bảo tồn và phát huy được những nếp văn hóa lễ hội đặc sắc. Phiên chợ Âm Dương, nét đặc trưng riêng có của Xuân Ổ, những năm gần đây đã được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn.

Vân Giang

Bắc ninh xưa và nay