Tranh dân gian Đông Hồ di sản văn hóa của dân tộc

27/09/2024 16:35 Số lượt xem: 48
Tranh dân gian Đông Hồ là một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đi vào văn chương, thi ca, nhạc, họa, tạo nên bản sắc riêng của văn hóa dân tộc Việt.

Tranh đám cưới chuột trên nền giấy điệp.

 

Tranh Đông Hồ được in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Để thể hiện một bức tranh, ngoài bản nét đen chủ đạo, tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản gỗ khắc in màu tương ứng. Đặc biệt, giấy in là loại giấy dó truyền thống, có quét điệp và màu sử dụng in tranh được chế từ nguồn gốc tự nhiên, như màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp và màu đen của than lá tre..., tạo ra mỹ cảm dung dị, độc đáo.

 

Du khách tìm hiểu tranh dân gian Đông Hồ.

 

Dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.

Quá trình sản xuất tranh có nhiều khâu, nhưng có 2 công đoạn chính như: khâu sáng tác mẫu/khắc ván và khâu in/vẽ tranh. Sáng tác mẫu tranh và khắc ván là khâu lao động sáng tạo, khâu quan trọng, đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng lao động cao ở các nghệ nhân. Công việc sáng tác mẫu tranh tốn rất nhiều thời gian, trước tiên phải lựa chọn đề tài, ý nghĩa, nội dung sâu sắc, màu sắc hài hoà, bố cục chặt chẽ và có giá trị nghệ thuật cao. Việc sáng tác mẫu tranh không phải là việc của riêng các nghệ nhân mà thường là kết quả chung của một làng tranh, của nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế mà trong tranh Đông Hồ, có trường hợp một mẫu nhưng có nhiều dị bản khác nhau, hoặc một mẫu tranh cũng có đến hai, ba cách phân bố màu khác nhau. Vì vậy, có nhiều mẫu tranh cổ đến nay chúng ta cũng chưa xác định được chủ nhân sáng tạo.

 

Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc lại vừa dai, do đó khi khắc ván in, nghệ nhân có kỹ năng chạm khắc giỏi, sẽ tạo được các nét gọn, mảnh, nhỏ, tinh vi và ván in lại mềm. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30 - 40 chiếc.

 

Du khách quốc tế tham quan Trung tâm Bảo tồn tranh Đông Hồ.

 

Vật liệu và dụng cụ dùng để in tranh gồm: giấy dó, các loại màu, ván in, co ván, bìa và thét (chổi làm bằng lá thông). Cách thức in tranh như sau: Trước khi in tranh, phải chuẩn bị sẵn giấy in để thành 1 tập (khoảng từ 100 đến 200 tờ ở trước mặt). Khi in, người ta nhúng thét lá thông vào chậu màu để lấy màu, rồi quét đều trên mặt bìa. Phương pháp lấy mực để in tranh dân gian Đông Hồ theo cách xếp ván, tức là cầm "co" ván dập đi, dập lại tấm ván xuống mặt bìa đã được phết màu, để màu thấm đều trên bề mặt ván, sau đó đặt ván in lên tờ giấy định in sao cho cân đối, chính xác, ấn mạnh ván in vào tờ giấy, để có sự liên kết nhất định, rồi lật ngửa ván in có dính cả tờ giấy in tranh lên; lấy xơ mướp xoa đều lên mặt sau tờ giấy, để cho phẩm mầu trên mặt ván tiếp tục thấm đều trên mặt giấy. Tiếp đó, gỡ tờ tranh ra khỏi ván in, rồi mang tranh ra phơi ở những nơi thoáng mát. Tranh khô rồi mới tiếp tục lần lượt in các màu khác. Bản nét đen bao giờ cũng được in cuối cùng.

Về giá trị nghệ thuật, tranh dân gian Đông Hồ có tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của người dân vùng Bắc Bộ, độc đáo trong việc sử dụng đường nét tiết giản và những mảng màu dẹt đều, là màu tự nhiên của cỏ cây, hoa lá, tươi sáng trên nền giấy dó quét điệp óng ánh.

Về nội dung, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân nơi đây. Đó là những bức tranh khắc hoạ ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Tranh dân gian Đông Hồ góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ những vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú.

Tranh dân gian Đông Hồ vừa chân chất, gần gũi, vừa sâu sắc, triết lý, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến nay đã trở thành một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Trong cuộc sống đương đại, tranh dân gian Đông Hồ vẫn có những đóng góp vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam, cung cấp những chủ đề, môtip, hình thức thể hiện và tạo nguồn cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ trẻ.

N.H

Bắc ninh xưa và nay