Hướng mới của làng gốm Phù Lãng

20/09/2024 10:00 Số lượt xem: 47
Trải qua gần 800 năm, làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ) vẫn đang duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc-Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề được truyền vào vùng dân cư hai bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến Phù Lãng. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà sưu tập còn lưu giữ và trưng bày sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu...

 

Sản phẩm gia dụng của gốm Phù Lãng.

 

Gốm Phù Lãng tập trung vào ba loại: Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...); Gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...); Gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...). Gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

 

Tranh gốm Phù Lãng đang chiếm được thị hiếu khách hàng.

 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Phù Lãng vẫn duy trì và phát triển nghề gốm. Hiện nay, làng nghề gốm Phù Lãng có khoảng hơn 200 hộ sản xuất gốm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng với thu nhập bình quân đạt 7-9 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc.

 

Nghệ nhân làng gốm sáng tạo tác phẩm.

 

Bước vào thời kỳ hội nhập, làng gốm Phù Lãng đang phát triển theo hướng mới, được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm tham quan du lịch làng nghề đặc sắc. Nhiều cơ sở sản xuất gốm kịp thời nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân...

Tiếp sức cho làng nghề, UBND tỉnh, thị xã Quế Võ đã chỉ đạo xã triển khai đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch đối với làng gốm Phù Lãng. Năm 2023, thị xã Quế Võ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản thực hiện dự án "Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng". Hiện người dân làng gốm Phù Lãng tham gia vào khóa học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân làng gốm Toho (Nhật Bản). Những mẻ gốm đầu tiên được làm ra bởi các nghệ nhân Nhật Bản, thợ gốm Phù Lãng theo kỹ thuật và cách nung của gốm Nhật. Khác với những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng, đây là những sản phẩm có tính ứng dụng cao với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Theo đánh giá, những sản phẩm này hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tại Nhật Bản và được kỳ vọng tạo các sản phẩm gốm tiêu chuẩn, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

Những chính sách liên kết, hỗ trợ mở rộng thị trường và sự năng động, sáng tạo của những nghệ nhân, gốm Phù Lãng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ  để đưa sản phẩm truyền thống Kinh Bắc đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Kinh tế