Địa chí Gia Bình - Tư liệu quý về vùng đất giàu truyền thống

06/09/2024 14:32 Số lượt xem: 483
Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm ngày tái lập huyện Gia Bình (01/9/1999 - 01/9/2024), Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Bình đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản cuốn Địa chí Gia Bình. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý dành cho các độc giả và những người con quê hương Gia Bình hiểu hơn về một miền quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng đang từng ngày vươn lên giành những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Huyện Gia Bình nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng đất được hình thành từ lâu đời và trải qua nhiều tên gọi khác nhau: An Định, Gia Định và từ năm 1820 là Gia Bình. Nằm trong cái nôi của văn hóa Kinh Bắc, Gia Bình được biết đến là nơi giàu truyền thống văn hóa với nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó nhiều di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương Gia Bình đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài “rường cột” của nước nhà với trên 30 nhà khoa bảng, trong đó có 2 trạng nguyên. Cùng với truyền thống hiếu học, khoa bảng, nhân dân Gia Bình luôn đề cao truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Gia Lương (nay là hai huyện Gia Bình và Lương Tài) vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, huyện Gia Bình đã được đề cập tới trong nhiều tác phẩm. Tuy nhiên, các công trình này chỉ đề cập đến vùng đất Gia Bình một cách khái lược, hoặc chỉ đề cập chuyên sâu về từng chủ đề, chưa thật sự cụ thể, chi tiết về tất cả các phương diện. Sau 25 năm lập huyện, huyện Gia Bình đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi cơ bản diện mạo quê hương theo hướng văn minh, hiện đại. Những thay đổi đó đòi hỏi phải có một công trình địa chí để ghi chép lại sự phát triển toàn diện của địa phương, đồng thời là nguồn tư liệu để cán bộ, nhà quản lý, nhân dân trên địa bàn và những độc giả quan tâm có những hiểu biết sâu sắc về quê hương Gia Bình. Nhận rõ tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Bình đã quyết định chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn Địa chí Gia Bình.
Địa chí Gia Bình được chia làm 7 phần với các nội dung cơ bản:
Phần I: Địa lý tự nhiên, địa lý hành chính và dân cư, gồm 3 chương, nêu rõ những đặc điểm về vị trí địa lý, địa chất, đất đai, khí hậu, thủy văn, sinh vật, môi trường, những thay đổi về địa giới hành chính của huyện qua các thời kỳ lịch sử và đặc điểm dân cư, dân số, lao động.
Phần II: Lịch sử và truyền thống, gồm 6 chương, nêu bật đặc điểm về quá trình hình thành và phát triển của huyện Gia Bình qua các thời kỳ; những sự kiện lịch sử tiêu biểu của nhân dân Gia Bình trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phần III: Hệ thống chính trị, gồm 4 chương, nêu rõ quá trình hình thành, phát triển của Đảng bộ huyện Gia Bình, các kỳ Đại hội Đảng bộ cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ của quê hương và thực hiện công cuộc đổi mới; khái lược về bộ máy chính quyền, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử; sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Quân sự...
Phần IV: Kinh tế, gồm 4 chương, phản ánh đầy đủ các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, điện lực, giao thông - vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông; qua đó làm rõ những tiềm năng, thế mạnh của Gia Bình trong phát triển kinh tế và làm cơ sở cho những chính sách, đề án, quy hoạch xây dựng huyện trong thời gian tới.
Phần V: Văn hóa - xã hội, gồm 6 chương, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Gia Bình, trong đó đề cập cụ thể tới những di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và cấp tỉnh; tìm hiểu văn hóa vật chất (ẩm thực, trang phục, nhà ở...), văn hóa phi vật thể (phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, văn học nghệ thuật); sự phát triển của hệ thống giáo dục, y tế, thể dục thể thao... nghiên cứu, ghi chép lại những nhân vật lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Gia Bình.
Phần VI: Lược chỉ các xã, thị trấn, khái quát về quá trình hình thành, đặc điểm dân cư, dân số, truyền thống văn hóa, lịch sử và các đặc điểm về kinh tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh cùng định hướng phát triển của từng đơn vị hành chính trên địa bàn huyện.
Phần VII: Phụ lục, gồm những nội dung cụ thể về thành tích cũng như đóng góp của nhân dân Gia Bình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là những thông tin bổ sung cho phần nội dung, phục vụ hữu ích cho việc tra cứu của độc giả.
Cuốn Địa chí Gia Bình là một công trình khoa học quan trọng, nghiên cứu công phu và phản ánh đầy đủ về vùng đất, con người, truyền thống lịch sử văn hóa và quá trình phát triển, những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của quê hương Gia Bình. Đây chính là nguồn tư liệu quý, rất quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn của huyện, là cuốn bách khoa thư về vùng đất, con người Gia Bình, nơi có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy tự hào của các thế hệ người dân Gia Bình. Qua từng trang sách, người đọc có thêm những hiểu biết về địa lý tự nhiên, dân cư, văn hóa, những di tích lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị..., những đóng góp của người Gia Bình, những thành tựu và sự phát triển của quê hương qua từng giai đoạn lịch sử.

Nguyên Phương