Làng nghề đúc đồng Đại Bái

18/09/2024 14:04 Số lượt xem: 71
Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, là một trong số ít những làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Việt Nam. Theo tương truyền, năm xưa làng Đại Bái còn có tên là làng Văn Lang, nằm trên một dải đất cao bên bờ sông Bái Giang, chuyên sản xuất các dụng cụ thiết yếu trong gia đình bằng đồng như: ấm, mâm, chậu thau...Đến đầu thế kỷ XI, nghề đúc đồng ở nơi đây mới được phát triển mạnh nhờ công của "Tiền Tiên Sư" Nguyễn Công Truyền, người chuyên lo tổ chức sản xuất, tạo mẫu, phát triển thị trường.

Ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tại làng Đại Bái, mất ngày 29-9 âm lịch (tức là năm 1060). Xuất thân trong một gia đình nho học, năm 995 lúc nên 6 tuổi ông theo cha mẹ vào Thanh Nghệ để sinh sống (nay làng đó cũng gọi là làng Đại Bái, làng Bưởi và cũng làm nghề Đúc Đồng), khi lớn lên ông vào quân ngũ. Năm 25 tuổi ông làm quan Đô uý của triều Lý, được phong là Điện tiền tướng quân. Đến tháng 3 -1018 ông về Đại Bái thăm họ hàng, quê hương. Sau khi cha ông qua đời tại Thanh Nghệ, ông xin từ quan và đưa mẹ về quê cũ phụng dưỡng và từ đó bắt đầu tổ chức sản xuất lớn hơn. Ông cho đón lò rèn về tại làng để sửa chữa nông cụ sản xuất như búa, đe, lò bễ v.v. Nhờ những công cụ nông nghiệp đã được cải tiến nên việc sản xuất được phát triển mạnh hơn. Đến thế kỷ thứ XV, XVI, làng có 5 Tiến sỹ: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tám. Sau khi được phong quan, về làng, các ông chú ý việc tổ chức và mở rộng sản xuất, đặc biệt là việc phân công chuyên môn hoá ngành nghề, đã thành lập các phường sản xuất riêng từng loại mặt hàng như: Phường chuyên gò nồi đồng, phường làm mâm, phường làm ấm, phường làm chậu thau, phường làm thau lá, rút dây đồng làm hàng bạc và một phường hàng chợ chuyên mua bán để cung cấp nguyên, vật liệu và tiêu thụ hàng hoá. Mỗi phường đều tập trung một xóm để tiện việc sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Nhờ có sự tổ chức hoàn chỉnh đã giúp cho Đại Bái nhanh chóng phát triển với ngành nghề đúc đồng, gò đồng với sự nâng cao rõ rệt về kỹ thuật luyện đồng: lấy đất sét bờ sông xây lò đúc, lấy bùn ao nhào với tro trấu làm nơi luyện đồng, đồng pha kẽm làm đồng thau và sáng chế ra thuốc hàn đồng...

 

Các sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái

 

Ngày nay, ngoài duy trì việc sản xuất các sản phẩm truyền thống như xoong, chậu, mâm, nồi… thông qua các hộ gia đình, làng nghề Đại Bái còn thành lập những HTX, doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư mua sắm, đưa vào sử dụng thêm các loại máy cán, máy dập, máy dánh bóng, hỗ trợ quá trình sản xuất; cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng,  phong phú và đa dạng như những bức tranh nghệ thuật và các đồ thờ trong gia đình như đỉnh, hoành phi câu đối, trống đồng… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng cả trong và ngoài nước.

Theo đó, nghề đúc đồng được duy trì và phát triển, bộ mặt kinh tế của Đại Bái cũng có nhiều đổi thay rõ rệt. Đến nay, địa phương có 300 HTX, doanh nghiệp với 350 hộ làm nghề, thời kỳ cao điểm lên đến hơn 600 HTX, doanh nghiệp và gần 700 hộ làm nghề ở cả 5 xóm, mỗi xóm chuyên một loại sản phẩm, chẳng hạn như: Xóm Đông chuyên đồ thờ và chậu; xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la; xóm Giữa chuyên niêu, nồi, siêu; xóm Ngoài chuyên nồi... Những sản phẩm đồng không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trang trí lên bề mặt các sản phẩm cho thêm phần sinh động, đẹp mắt... Cùng với đó, việc mở rộng thị trường cũng được quan tâm, các sản phẩm của Đại Bái không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến thông qua các cửa hàng đại diện, website quảng bá sản phẩm của làng nghề.

Với khát vọng, hoài bão của người dân làng nghề, nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng nơi đây đã và đang góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương ngày càng khởi sắc, vươn xa.

PVKT