Gia tăng bệnh nhân nhập viện do ảnh hưởng của nắng nóng

14/07/2024 19:11 Số lượt xem: 372
Mùa hè thời tiết nắng nóng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng đột quỵ não. Nếu như đột quỵ mùa nắng nóng thường gặp ở người cao, trung tuổi có sẵn các bệnh lý nền như: Tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì ở người trẻ, làm việc ngoài trời nắng quá lâu, uống rượu bia, hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ.

Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Mẹ chồng tôi, 77 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, méo miệng. Bà mắc tiểu đường, tăng huyết áp, thời tiết nắng nóng, những ngày gần đây ăn uống không tốt nên gia đình nghĩ đến khả năng đột quỵ và đưa vào viện cấp cứu trong đêm.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nam trẻ tuổi được đưa vào viện vì bị ngất, nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng do làm việc ngoài trời, song chẩn đoán tại viện cho thấy anh này bị đột quỵ não.
Các bác sĩ khẳng định việc đưa bệnh nhân vào cấp cứu sớm rất quan trọng, bởi bệnh nhân bị hạ đường huyết ở mức rất thấp, đã có dấu hiệu hôn mê, nếu không cấp cứu sẽ dẫn đến suy hô hấp, sặc, có thể dẫn đến tử vong. Thực tế, một số tình huống hạ đường huyết có đột quỵ kèm theo, việc xử trí tại bệnh viện với đầy đủ phương tiện sẽ giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân có phải đột quỵ hay không để có phương án điều trị hiệu quả, kịp thời.
Theo bác sĩ CKII Trần Trung Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 120 ca cấp cứu, ngày cao điểm có thể lên đến 160 bệnh nhân. Mặt bệnh phổ biến nhất vào cấp cứu tại Trung tâm là tim mạch, trong đó đột quỵ não chiếm khoảng 1/3. Độ tuổi bệnh nhân đột quỵ não cũng đang có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi mắc nhiều nhất là trung niên, bệnh viện cũng ghi nhận một số bệnh nhân trẻ tuổi, trong đó nhỏ nhất mới có 11 tuổi.

 

Bác sĩ Trần Trung Tín kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu và vận chuyển 115.


Tuy chưa có thống kê đầy đủ, số bệnh nhân đột quỵ não trong mùa nắng nóng nhập viện tăng khoảng 10%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, nguy cơ đột quỵ tăng lên 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 10 C, thậm chí, tại một số bệnh viện, số ca cấp cứu do nắng nóng như: Sốc nhiệt, say nắng, say nóng, đột quỵ có thể tăng lên gấp 3. Bác sĩ Trần Trung Tín phân tích một số thói quen xấu có thể thúc đẩy nguy cơ bệnh do thời tiết nắng nóng như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, các chất có cồn, thay đổi về nhiệt đột ngột (từ môi trường nóng vào lạnh và ngược lại - ví dụ như sử dụng điều hòa sai cách).
Đột quỵ não được biết đến là bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới, người bệnh cũng có thể lỡ mất thời gian vàng điều trị nếu không được nhận biết, xử trí đúng cách. Song say nắng, say nóng cũng có một số biểu hiện, triệu chứng tương tự đột quỵ nên không ít trường hợp bị nhầm lẫn khi sơ cứu, điều này có thể để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Bác sĩ Tín cũng lưu ý những dấu hiệu cơ bản có thể nghĩ đến đột quỵ, bao gồm: Méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường… Ngay khi thấy bệnh nhân xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số trường hợp trích máu đầu ngón tay bệnh nhân, tự ý sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn cho bệnh nhân đột quỵ dẫn đến tình trạng đột quỵ nặng hơn, bỏ qua thời gian vàng điều trị, dẫn đến di chứng lâu dài, thậm chí là tử vong.
Những đợt nắng nóng cao điểm, lượng bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tăng lên khoảng 20%, phổ biến mắc các bệnh: Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, nhiễm trùng phổi trên bệnh nhân tim mạch, một số rối loạn điện giải, đột quỵ não trên bệnh nhân tim mạch… Nhiệt độ thời tiết cao, không khí oi bức, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, rượu bia quá đà… là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này. Đáng nói là, có một số trường hợp có bệnh lý nền đã được quản lý ngoại trú, song bệnh nhân không tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ, tự ý thay đổi thuốc.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Tim mạch khuyến cáo người có bệnh nền nếu có điều kiện chủ động chuẩn bị một số dụng cụ, thiết bị phổ biến để tự theo dõi sức khỏe tại nhà như: Máy đo huyết áp, nhiệt kế, máy thử đường máu mao mạch… Chú ý chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh như: Ăn nhiều rau, hoa quả tươi, uống đủ nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ… Cố gắng xây dựng và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: Tập thể dục khi thời tiết mát mẻ, có bóng cây, tránh lúc thời tiết nắng nóng, oi bức, mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt, khi đi thể dục nên mang theo chai nước nhỏ. Đối với những người phải làm việc ngoài trời, dưới thời tiết nắng nóng cần khởi động kỹ, sử dụng thiết bị bảo hộ đầy đủ, phù hợp, có thời gian nghỉ giữa ca…

Việt Hoa