Cấp cứu ban đầu mở đường cho sự sống

29/08/2024 20:19 Số lượt xem: 286
Cấp cứu y tế là hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân. Nói cách khác, được xử trí cấp cứu ban đầu tốt và kịp thời là cánh cửa mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

Chiều tối 21-8, các bác sĩ Trung tâm Vận chuyển và Cấp cứu 115 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đón một bệnh nhân đặc biệt là bé gái 3 tuổi bị tai nạn giao thông, sau khi phẫu thuật chấn thương sọ não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được chuyển về bệnh viện tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị. Trước đó, rạng sáng ngày 10-8, bệnh nhi được các y, bác sĩ Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115 chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau khi được xử trí cấp cứu kịp thời, bệnh nhi vượt qua “cửa tử” và đã bảo đảm chức năng sinh tồn.

 

Cấp cứu vững vàng làm chỗ dựa để phát triển các chuyên khoa.


Bác sĩ Trần Trung Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115 - người tham gia kíp cấp cứu ban đầu, cũng là người trực ca hôm cháu bé được chuyển về từ Bệnh viện Việt Đức vẫn nhớ như in bối cảnh ca cấp cứu hôm đó. Bác sĩ Tín kể: “Gần 23 giờ ngày 9-8, ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân (Quế Võ) về việc có ca bệnh cấp cứu chuyển lên, tình trạng rất nặng, đe dọa tính mạng, anh em kíp trực chủ động chuẩn bị các điều kiện xử trí, mời hội chẩn chuyên khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực và xin hỗ trợ từ Bệnh viện Sản - Nhi. Khi tiếp nhận, bệnh nhi đã hôn mê, cơ thể tím tái, xuất hiện co giật, tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da toàn bộ cơ thể, nhịp tim xuống thấp, độ bão hòa oxy giảm nhanh…”.
Ngay lập tức, bệnh nhân được kiểm soát đường thở, các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản và dẫn lưu màng phổi 2 bên. Trẻ cũng được dùng một số thuốc hồi sức, an thần, các biện pháp chống co giật, kích thích… Chỉ trong vòng vài phút, sau khi được kiểm soát đường thở và dẫn lưu màng phổi, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên, trẻ hồng hào trở lại, nhịp tim ổn định dần. Để bệnh nhi có cơ hội điều trị tốt nhất, sau khi nhanh chóng xử trí bảo đảm các chức năng sống, bệnh viện hoàn thành việc chuyển tuyến chỉ sau chưa đầy 2 giờ đồng hồ.
 Là đơn vị y tế tuyến huyện có năng lực hồi sức cấp cứu vững vàng, bình quân mỗi ngày, Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn tiếp nhận khoảng 70 ca cấp cứu, trong đó, khoảng từ 5-7% ca bệnh phải chuyển tuyến từ khu vực Cấp cứu. Cùng chung quan điểm với bác sĩ Tín, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê phẫu thuật - Thận lọc máu, Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn khẳng định: Cấp cứu ban đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự sống - chết của người bệnh. Nếu người bệnh được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách sẽ có cơ hội sống sót, để lại di chứng ít nhất, nhẹ nhất. “Một bệnh nhân bị ngừng tim không được ép tim kịp thời và đúng sẽ bị tổn thương não nặng sau 5 phút, nếu sau 10 phút không có dòng máu nuôi não thì bệnh nhân dù được cứu sống cũng có đời sống thực vật, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiểu một cách đơn giản, sơ cấp cứu kịp thời làm cho các chức năng sống được bảo tồn, chỉ khi chức năng sống được bảo tồn thì mới tính đến các phương án tiếp theo” - bác sĩ Thanh nêu ví dụ.
Trong những ca cấp cứu tối khẩn cấp tại Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn, có 2 trường hợp được các y bác sĩ tại đây nhắc đến nhiều nhất. Trường hợp đầu tiên là một nam bệnh nhân 37 tuổi, có tiền sử hen phế quản được người nhà đưa đến viện trong tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, thở ngáp, mạch chậm, thở chậm, SpO2 không đo được, phổi không có thông khí. Nhận thấy tình trạng nguy kịch, tính mạng bệnh nhân chỉ còn trong gang tấc, kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng đặt nội khí quản và triển khai kỹ thuật thở máy. Sau 8 tiếng được hồi sức tích cực: An thần, thở máy, các thuốc vận mạch, kháng sinh, kháng viêm, giãn phế quản… bệnh nhân dần ổn định và được rút ống nội khí quản an toàn.
Ca cấp cứu tiêu biểu thứ hai là một bệnh nhân 58 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp và hút thuốc lá nhiều năm. Khoảng 1 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột đau tức ngực, đau tăng dần sau đó bất tỉnh. Khi được gia đình đưa nhập viện, bệnh nhân đã bất tỉnh hoàn toàn, da môi tím, mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được, tim ngừng đập, đồng tử hai bên giãn, phản xạ ánh sáng âm tính, điện tim là đường thẳng điện, được chẩn đoán ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp ngoại viện. Ngay lập tức, bệnh nhân được kíp cấp cứu ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp nâng cao (hồi sinh tim, phổi), đặt ống nội khí quản, thuốc vận mạch, shock điện tim… Đây là trường hợp rất đặc biệt, kíp cấp cứu phải shock điện tim đến 9 lần, khi bảo đảm tuần hoàn, hô hấp ổn định, bệnh nhân được liên hệ chuyển tuyến và chuyển tuyến an toàn, tiếp tục được xử trí nguyên nhân gốc rễ với kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Cấp cứu được coi là điểm tựa để các chuyên ngành khác phát triển. Do đó, nâng cao năng lực cấp cứu luôn là mục tiêu, cũng là trăn trở đối với các đơn vị khám, chữa bệnh. Trong tình hình hiện nay, khi các bệnh viện được trang bị tương đối đầy đủ trang thiết bị hiện đại thì yếu tố quan trọng nhất là vấn đề nhân lực. Nỗ lực nâng cao cả số lượng và chất lượng nhân lực tham gia công tác Cấp cứu, Hồi sức cần được coi là giải pháp căn cơ để nâng cao uy tín, vị thế của các bệnh viện.

Thùy vy