Công tác thường trực cấp cứu cơn bão số 3 được bảo đảm

08/09/2024 16:35 Số lượt xem: 367
Theo báo cáo nhanh của ngành Y tế, trong ngày 7-9 và đến 10 giờ ngày 8-9, các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh tiếp nhận 874 bệnh nhân đến khám, cấp cứu. Trong đó, 299 bệnh nhân vào điều trị nội trú, 52 trường hợp chấn thương do ảnh hưởng của bão, phần lớn các trường hợp chấn thương nhẹ, không nghiêm trọng, không có tử vong, các bệnh nhân chấn thương do bão đều được xử trí.

Trong mưa bão, các đơn vị bị mất điện nhưng do chuẩn bị sẵn máy phát điện nên vẫn duy trì hoạt động, không ảnh hưởng đến bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều đơn vị bị bay mái tôn, đổ vỡ bảng biển, vỡ kính, cây đổ nhưng không nghiêm trọng. Không có trang thiết bị y tế bị hỏng do bão, cơ bản các bệnh viện vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Trước đó, Sở Y tế có công văn khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 và mưa lũ theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; chủ động triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ; rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra. Chuẩn bị sẵn phương án di chuyển người bệnh, thiết bị y tế, tài sản ở các vị trí thấp sang vị trí khác nếu có tình huống úng lụt xảy ra, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng người bệnh và tài sản.

 

Người bệnh cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trong ngày 7-9

 

Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế thường xuyên nắm bắt, cập nhật về tình hình, chỉ đạo sát sao các đơn vị trong ngành, các cơ sở y tế nhằm bảo đảm an toàn tối đa về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra. Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sở cũng thành lập 3 Tổ thường trực, phân công sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động. Nhờ chủ động ứng phó với cơn bão, mọi hoạt động khám, chữa bệnh cấp cứu và điều trị nội trú cho bệnh nhân tại các đơn vị được bảo đảm.

Song song với việc duy trì thường trực cấp cứu tại đơn vị, các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh đều thành lập 1 tổ cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh thành lập Tổ Cơ động phòng, chống dịch sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động.

Sở Y tế cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, trong đó các đơn vị dự phòng tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra tại các vùng có mưa lớn như sốt xuất huyết; các bệnh đường tiêu hóa: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy; nấm kẽ chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,… Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế để người dân biết, thực hiện, đặc biệt phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm mùa mưa lũ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình để phòng, chống ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm như: bệnh tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy; phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong công tác triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt.  

Sau khi mưa bão ngưng, các cơ sở y tế tập trung khắc phục các thiệt hại do bão gây ra, đồng thời tiếp tục bảo đảm hoạt động chuyên môn.

Việt Hoa