Chủ động phòng tránh dịch bệnh sau lũ lụt

17/09/2024 17:43 Số lượt xem: 364
Trong đợt lũ sau bão số 3, một số khu dân cư trong tỉnh bị ngập lụt. Đến nay, cuộc sống của người dân đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là dịch bệnh có thể xảy ra do môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Những ngày xảy ra bão số 3 và mưa kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức giám sát tại một số thôn như Diên Lộc, Đồng Nhân (Yên Phong); khu Quả Cảm và Đẩu Hàn (Thành phố Bắc Ninh); các thôn Thủ Công, Đoàn Kết và Phù Lãng (Thị xã Quế Võ) cho thấy do bị ngập nặng, dẫn đến phân, nước, rác của người và động vật trôi nổi, khó xử lý; đồng thời  người dân thiếu nước sạch do sự cố mất điện. Ở một số địa phương có điều kiện thì người dân sử dụng nước bình để ăn, ngoài ra vẫn phải sử dụng nước sông, nước trong vùng lụt bị ô nhiễm để rửa, giặt quần áo và sinh hoạt. Đáng chú ý là thời điểm sau bão, lụt, nước đã rút, nếu như vấn đề môi trường, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh mà không được xử lý triệt để rất có thể dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

 

Kiểm tra, hướng dẫn sử dụng Cloramin B để khử trùng, khử khuẩn tại xã Phù Lãng, Thị xã Quế Võ.

 

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Sau ngập lụt, nguy cơ có thể xảy ra một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm, hay là bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng. Đáng chú ý là các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ; các bệnh về da như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt, đặc biệt là các bệnh do muỗi truyền: sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B v.v…”

 

Hướng dẫn trẻ thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, phòng chống các bệnh thường gặp sau mưa lũ và ngập lụt

 

Để bảo vệ sức khỏe cho người dân nói chung, những hộ dân trong vùng ngập úng nói riêng, Sở Y tế liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo hệ thống y tế triển khai các phương án xử lý các tình huống, đồng thời trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước cũng như sau khi nước rút. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối chỉ đạo, phối hợp  với các địa phương tổ chức giám sát, hướng dẫn y tế cơ sở, nhất là các cơ sở y tế tại các khu vực bị ngập lụt triển khai các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Rà soát, bổ sung vật tư, hóa chất, sẵn sàng cơ số Cloramin B để xử lý nước ăn uống sinh hoạt cho người dân tại các khu vực có ngập lụt, đồng thời đẩy mạnh công tác  tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân với phương châm “Nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó”. Xử lý nước ăn uống sinh hoạt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức triển khai các hoạt động khác để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân.

 

10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch  sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế

1.Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2.Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3.Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4.Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5.Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6.Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;

7.Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8.Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9.Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10.Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Ngô Phú - Thế Thực