Chốt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

20/06/2024 13:58 Số lượt xem: 263
Sáng 20-6, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì tại điểm cầu của Bộ GD-ĐT; tại Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh chủ trì.

 

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Ninh.

 

Theo số liệu chính thức của Bộ GD-ĐT, năm 2024, cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023). Các thí sinh dự thi tại 2.323 Điểm thi, tăng 51 Điểm thi so với năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149. Có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25%…

Tỉnh Bắc Ninh có 17.779 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 17.211 em là học sinh lớp 12 năm học 2023-2024; 568 em là thí sinh tự do. Đây là năm có số thí sinh dự thi đông nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong số 17.779 thí sinh đăng ký dự thi có 17.047 thí sinh 2 nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, chiếm 96%; còn lại là thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh hoặc xét tốt nghiệp THPT. Môn thi đông thí sinh nhất là Ngữ văn với 17.558 thí sinh; môn thi ít thí sinh nhất là Hóa học với 6.238 thí sinh. Toàn tỉnh có 63% thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội; 37% thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên… 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024. Bộ GD-ĐT đã cử 10 đoàn kiểm tra đến các tỉnh, thành phố toàn quốc, báo cáo kịp thời kết quả và đề xuất với Bộ trưởng và Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia. Cùng với đó, Bộ cũng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các khâu tiếp theo của Kỳ thi theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt…

 

 

Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ GD-ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát việc ban hành văn bản, các quy định thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện; rà soát phân công nhiệm vụ hoặc bổ sung nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức Kỳ thi, đặc biệt trong điều kiện thiên tai hoặc dịch bệnh; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa. Quan tâm đến việc chọn nhân sự; phân cấp, phân công đúng người đúng việc; tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng. Rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ Kỳ thi lần cuối trước khi vào Kỳ thi: địa điểm tổ chức thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chấm thi. Công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Xây dựng kịch bản và các phương án dự phòng cho từng khâu trong quá trình triển khai tổ chức Kỳ thi.

Phát biểu với các thành viên Ban chỉ đạo thi tỉnh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, yêu cầu các ngành, địa phương trong Ban chỉ đạo nỗ lực cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao; quyết tâm không để xảy ra các hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và ngành; đồng chí nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là nghiêm túc mọi khâu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tuy nhiên lực lượng làm thi không được gây áp lực, ngược lại phải tạo bầu không khí cởi mở, thân thiện giúp các thí sinh yên tâm, tự tin làm bài hết khả năng và đạt kết quả như mong muốn.

Thanh Tú