Nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 12 theo chương trình mới

21/10/2024 16:38 Số lượt xem: 146
Tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và Trường TH&THCS Hoàng Hoa Thám (tp Bắc Ninh), Sở GD-ĐT vừa tổ chức 2 Hội nghị chuyên môn cấp tỉnh nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 12 theo chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, với sự tham gia của đội ngũ giáo viên cốt cán Ngữ văn toàn ngành.

Năm học 2024-2025 là năm học hoàn thành 1 chu kỳ của Chương trình GDPT 2018 với 100% học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 học theo chương trình SGK mới. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình, Sở GD-ĐT tăng cường sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề tạo cơ hội cho giáo viên bộ môn nâng cao chất lượng dạy học đối với từng kiểu bài, dạng bài, từng môn, phân môn; các giải pháp phát huy năng lực phẩm chất của học sinh đúng với mục tiêu chương trình mới.

Tại Trường TH&THCS Hoàng Hoa Thám, các đại biểu đã dự giờ 1 tiết Ngữ văn lớp 9; trao đổi, thảo luận sôi nổi về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với môn Ngữ văn, đặc biệt các vấn đề khó, mới trong công tác dạy học và ôn thi cho đối tượng học sinh cuối cấp THCS. Tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, các đại biểu được chuyên gia môn Ngữ văn của Đại học Thái Nguyên hướng dẫn chi tiết Quy trình xây dựng ma trận đề, bản đặc tả và đề kiểm tra định kỳ, đề thi theo cấu trúc đề thi minh họa đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD-ĐT; cách lựa chọn văn bản đáp ứng những yêu cầu cần kiểm tra, đánh giá; một số lỗi thường gặp khi đặt câu hỏi trong đề kiểm tra…

Sở GD-ĐT nhấn mạnh, mục tiêu cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 là chuyển phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực nên đổi mới kiểm tra, đánh giá và thi cử là điều tất yếu. Theo phương án thi và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 có nội dung thi bám sát, đặc biệt phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình phổ thông 2018; đề thi có tính phân hóa cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh. Mặt khác, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng đòi hỏi xây dựng đề thi phải bảo đảm ngữ liệu không theo một bộ sách riêng nào trong số các bộ sách học sinh học. Đối với môn Ngữ văn, môn học duy nhất có hình thức thi Tự luận càng có nhiều điểm mới, ngữ liệu sử dụng tránh lấy trong SGK… đó là những thuận lợi nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ đối với công tác dạy học ôn thi tốt nghiệp lớp 12.      

Sở GD-ĐT đánh giá, việc ra đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn đúng qui định không chỉ giúp giáo viên đánh giá đúng năng lực mà còn rèn học sinh thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, nâng cao vốn từ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng viết, ôn tập, củng cố kiến thức và phát triển kỹ năng cần thiết cho tương lai. Quan tâm đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá là một tín hiệu tích cực, hướng tới việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 12.

Sở GD-ĐT đề nghị đội ngũ giáo viên cốt cán phát huy trí tuệ, nâng cao năng lực chuyên môn từ đó lan tỏa đến các đồng nghiệp, cùng góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn trong năm học này và những năm học tiếp theo.

T/K