Cảnh giác nhưng không hoang mang trước dịch bệnh Bạch hầu

10/07/2024 15:43 Số lượt xem: 623
Thời gian gần dây, tình hình dịch bệnh Bạch hầu diễn biến phức tạp, đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và một trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có liên quan dịch tễ với nhau. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy cơ tử vong từ 5-10%, song có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin và chủ động vệ sinh cá nhân, nơi ở.

“Sau khi nhận được thông tin về trường hợp mắc bệnh Bạch hầu đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, qua thông tin điều tra ca bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng rà soát, xác minh, đến thời điểm hiện tại không có trường hợp tiếp xúc gần với chùm ca bệnh Nghệ An trên liên quan đến người Bắc Ninh” - Đây là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Khắc Từ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khi trao đổi với phóng viên Báo Bắc Ninh chiều 9-7.

Tháng 9-2023, khi xuất hiện ổ dịch Bạch hầu tại tỉnh Hà Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các hoạt động giám sát ca bệnh và ban hành các công văn về tăng cường giám sát và phòng chống bệnh dịch Bạch hầu; triển khai tăng cường tiêm bù, tiêm vét các mũi vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, triển khai hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh việc tiêm bù, tiêm vét bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng...

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2023 sau tiêm bù, tiêm vét (hết quý II năm 2024) đạt 98,3%; tỷ lệ mũi DPT-VGB - Hib (vắc xin phòng 5 bệnh: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Viêm gan vi rút B, Heamophilus influenze) đủ 3 mũi cơ bản đạt 96,7%, các năm trước đây đều đạt hơn 96%.

 

Các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ mũi để phòng chống các dịch bệnh hiệu quả

 

Kiểm đếm lại quá trình giám sát bệnh truyền nhiễm nhiều năm qua, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trước khi vắc-xin Bạch hầu được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, mỗi năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận hàng chục ca mắc, nhiều ca trong số đó tử vong.

Từ năm 1998 đến nay, khi tỷ lệ tiêm vắc-xin có chứa thành phần phòng bệnh Bạch hầu đạt tỷ lệ cao, chưa ghi nhận ca mắc Bạch hầu nào trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cơ bản vắc xin phòng bệnh Bạch hầu cho trẻ ở mức cao, hàng năm đếu đạt hơn 96%. Những con số này đã khẳng định hiệu quả lớn mà vắc-xin phòng bệnh Bạch hầu mang lại.

Hằng năm, cả nước vẫn ghi nhận ca mắc bệnh rải rác và một số ổ dịch nhỏ ở một số tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi tỷ lệ tiêm phòng bệnh Bạch hầu đạt tỷ lệ không cao. Mặc dù đạt tỷ lệ tiêm phòng bệnh Bạch hầu cao, song nguy cơ bệnh dịch Bạch hầu xâm nhập vào địa bàn tỉnh qua lao động tự do, giao thương và lao động khu công nghiệp đến từ vùng có bệnh dịch là hoàn toàn hiện hữu. Ngày 8-7, ngành Y tế ban hành công văn khẩn gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.

 

Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Hiện bệnh Bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. 

 

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai công tác truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thực hành của người dân về phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, không để dịch bùng phát, lan rộng. Triển khai việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh Bạch hầu; thực hiện giám sát sự kiện.

Tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng trong diện tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh Bạch hầu trên địa bàn; khuyến cáo và mời đối tượng đi tiêm bổ sung, tiêm vét phòng bệnh đúng lịch, đủ liều ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sẵn sàng tổ chức các đội cơ động chống dịch, hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, kinh phí, nhân lực cho tuyến huyện, xã đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các đơn vị khám, chữa bệnh, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người dân hiểu rõ đường lây truyền và biết cách phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu. Tổ chức tốt công tác phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế: Phân luồng khám bệnh, chủ động phát hiện kịp thời các ca bệnh; bố trí khu điều trị riêng để cách ly, điều trị người mắc bệnh; phòng chống lây nhiễm chéo, phòng chống nhiễm khuẩn. Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho phòng, chống dịch Bạch hầu...

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng có thể phòng tránh bằng vắc-xin, vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin Bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, đồ dùng, dụng cụ để phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. 

Việt Hoa