Bảo vật Quốc gia - Mộc bản chùa Dâu

16/02/2024 22:52 Số lượt xem: 605
Với kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị tâm linh và được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, chùa Dâu (phường Thanh Khương, Thuận Thành) đã được nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Đến năm 2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) cũng được công nhận Bảo vật quốc gia. Mới đây, Mộc bản chùa Dâu cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18-1-2024.

Truyền thuyết và các nguồn thư tịch cổ cho biết, chùa Dâu được khởi dựng từ cuối thế kỷ II, là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên để tạo nên một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc. Những thế kỷ đầu Công nguyên và thời gian dài sau đó, chùa Dâu là nơi trụ trì, truyền đạo và là kho tàng kinh kệ của nhiều thế hệ tăng ni nổi tiếng, tiêu biểu là Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi...

 

Một trang in rập từ mộc bản chùa Dâu.


Trong quá trình tồn tại, chùa Dâu được các triều đại phong kiến trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dựng “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải thăng trầm lịch sử đến nay chùa Dâu vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính và lưu giữ kho tàng di sản văn hóa quý giá, tiêu biểu là hệ thống tượng thờ với gần 100 pho; hệ thống bia đá, chuông đồng, khánh đồng...
Bảo vật Quốc gia - Mộc bản chùa Dâu gồm tổng số 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa... Giới nghiên cứu tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi. Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc 1 mặt. Trong đó, một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.
Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, kiểu chữ chân phương dễ đọc, đường nét mềm mại, có tính thẩm mĩ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Một trong những điểm độc đáo của di sản tư liệu Mộc bản chùa Dâu là chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị - loại gỗ được dùng phổ biến để làm các loại ván khắc chữ, khắc tranh với đặc điểm vừa nhẹ vừa bền chắc, không bị mối mọt. Chính vì vậy, trải qua thời gian gần 300 năm nhưng ván khắc ở chùa Dâu vẫn còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng. Qua đó cũng cho thấy tri thức bản địa đạt đến trình độ cao về kỹ năng chọn gỗ và xử lý gỗ trước khi san khắc ván.  
Từ xa xưa, chùa Dâu và hệ thống Phật Tứ Pháp gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp và là một trung tâm Phật giáo với sự giao thoa, dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa để tạo nên hệ thống Phật tứ pháp đặc trưng riêng của Việt Nam. Do đó, mộc bản chùa Dâu là di sản văn hóa có giá trị to lớn giúp cho việc nghiên cứu về chùa Dâu, về Tứ pháp trong lịch sử, đồng thời tìm hiểu về các vị sư Tổ chùa Dâu qua các thời kỳ. Việc xuất hiện các bộ ván khắc phản ánh về tư tưởng Đạo giáo, Nho giáo tại chùa Dâu (Âm chất giải âm, Tam giáo bình tâm luận) cũng chứng minh chùa Dâu ngoài việc là trung tâm Phật Giáo thì còn dung hội thêm các loại hình tôn giáo khác. Đây được coi là một sự ứng biến phù hợp trước lịch sử thời cuộc, hình thành nên tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”, một sự đồng tồn hài hoà của các tôn giáo và tư tưởng trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay, toàn bộ 107 ván khắc gỗ ở chùa Dâu đang được bảo vệ, cất giữ cẩn trọng trong tủ kính khóa kín. Nhân dân và du khách thập phương khi về tham quan di tích có thể chiêm ngưỡng, tiếp cận kho mộc bản giá trị này. Tuy nhiên, để vừa bảo quản an toàn, kéo dài tuổi thọ tư liệu mộc bản, vừa phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng, hưởng thụ di sản văn hóa của khách tham quan, các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách, xây dựng lộ trình, phương án ứng dụng công nghệ để quảng bá, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia - Mộc bản chùa Dâu.

V.Thanh (giới thiệu)