Giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động

09/07/2024 20:35 Số lượt xem: 187
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ việc làm, điều tiết hiệu quả Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu lao động… tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Xác định công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định đời sống của người lao động, ngay từ đầu năm Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch điều tra, thu thập thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực tạo nguồn lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó đề ra phương án, giải pháp điều tiết thị trường lao động bám sát tình hình thực tế, kịp thời kiến nghị tỉnh có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm giải ngân 1.674 tỷ đồng, cho vay thường xuyên, ổn định cho 23.920 lao động (mức vay bình quân 70 triệu đồng/người), hỗ trợ cho 7.280 lao động được tạo việc làm.
Ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Để tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động, người sử dụng lao động có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, Trung tâm nỗ lực linh hoạt phương thức hoạt động, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển dụng bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh chuyển đổi số, tuyển dụng trực tuyến, tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực. Ước tính từ đầu năm tới nay, Trung tâm tổ chức 24 phiên tuyển dụng định kỳ, trong đó phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm online. Qua đó tiếp nhận nhu cầu đăng ký và giới thiệu việc làm cho 3.846 lao động; 1.829 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh qua các phiên online (trong đó có 590 doanh nghiệp tại Bắc Ninh) với nhu cầu tuyển hơn 24 nghìn lao động; tư vấn chính sách, lao động việc làm và học nghề cho 26.737 lượt người”…
Thời gian qua cũng ghi nhận sự chủ động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đổi mới chương trình giảng dạy gắn với nhu cầu doanh nghiệp và tìm việc làm cho học sinh, sinh viên thông qua hình thức hợp đồng liên kết đào tạo, tuyển dụng sau đào tạo với các doanh nghiệp. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh. Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước tiếp tục triển khai các chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như: Chương trình EPS trong ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp; chương tình IM Japan tuyển chọn thực tập sinh nam, nữ đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản... Nửa đầu năm 2024, công tác xuất khẩu lao động phục hồi tích cực với tổng số 750 người đi làm việc ở nước ngoài (đạt 55,6% kế hoạch năm) chủ yếu ở thị trường: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc…

 

Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh duy trì tăng trưởng việc làm giúp người lao động yên tâm ổn định cuộc sống.


Ông Đoàn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: “Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tương đối chậm, thị trường lao động trong tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm cho thấy những giải pháp ổn định thị trường lao động thời gian qua phát huy hiệu quả tích cực. Song song với công tác giải quyết việc làm, ngành LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật lao động đến với người sử dụng lao động, người lao động; thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, tình hình lao động mất việc làm, thất nghiệp để hỗ trợ kịp thời… So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp được kéo giảm, khu vực thành thị giảm còn 2,16% (giảm 0,02% so với năm 2023)”.
Tuy nhiên, thị trường lao động của tỉnh vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, đó là chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật của các doanh nhiệp công nghệ cao. Trong khi nền kinh tế của tỉnh ngày càng tập trung thu hút đầu tư những dự án công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục cần được tăng lên trong cộng đồng lao động. Tỉnh đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.
Đây cũng sẽ là một trong những định hướng trọng tâm của công tác lao động việc làm trong nửa cuối năm, triển khai đào tạo các chương trình đào tạo chất lượng cao; tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ lao động; ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin vào công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về cung - cầu lao động; xây dựng kế hoạch, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp.

Hoài Phương

Lao động - Việc làm