Tăng sức "đề kháng" để doanh nghiệp vượt khó

23/08/2024 14:56 Số lượt xem: 865
Gần 1.800 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc chọn phương án tạm ngừng hoạt động, gần 600 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thông báo giải thể trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay… là những con số hiện hữu trong bức tranh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp rời bỏ thị trường đa phần có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, sức khỏe tài chính không ổn định, mức độ cạnh tranh thấp, trình độ quản trị yếu. Vì vậy, không nên quá lo ngại, bởi đây chỉ là bước khởi đầu cho tiến trình sàng lọc, cải tổ doanh nghiệp để hướng tới sự phát triển bền vững, ổn định.

Thống kê từ Sở KH&ĐT tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.622 doanh nghiệp và 832 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký thành lập mới. So với cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,15% về số lượng và 31,4% về số vốn đăng ký. Cùng với đó, có 739 doanh nghiệp và 109 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động trở lại.

 

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi  Electric (KCN Đại Đồng- Hoàn Sơn)

 

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động cũng tăng 13,54%; số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng tới 53,5%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp đã giải thể là 312 doanh nghiệp, tăng 41,18% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tính đến thời điểm cuối tháng 7-2024 cũng giảm 6,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, nguyên nhân của tình trạng trên là do tình hình thế giới còn nhiều bất ổn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu liên tục bị bào mòn đến mức cạn kiệt kể từ sau đại dịch Covid-19 cùng một số chính sách, quy định còn chưa thực sự nhất quán, thiếu đồng bộ,… đã gây tổn thương nặng nề cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Song trên thực tế, lượng doanh nghiệp thoái lui khỏi thị trường hiện nay chủ yếu là khối doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động đa ngành nghề và rất dễ bị suy yếu khi nền kinh tế thị trường xảy ra biến động, gặp nhiều khó khăn. Sức cạnh tranh thấp, yếu và thiếu về dòng vốn là điểm mấu chốt khiến các doanh nghiệp này rời bỏ thị trường.

 

Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thương mại dịch vụ trụ vững trên thị trường

 

Tương tự, khi đánh giá về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn có sự hạn chế nhất định, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần đông, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý chưa cao, hiệu quả thấp và đặc biệt là chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực, trong nước và quốc tế.

Chủ trương nhất quán của chính quyền tỉnh là phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất, qua đó đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Vì vậy, dù số lượng doanh nghiệp tạm thời rút khỏi thị trường tăng song chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng năm 2024 tăng 10,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,5% so với cùng kỳ; Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng cao 25,4% Một điểm sáng khác đáng ghi nhận là kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cũng tăng trưởng tích cực. Luỹ kế đến hết ngày 31-7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 43,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 23,48 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 20,22 tỷ USD.  Cân đối thu chi ngân sách cũng là điểm sáng khi tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng tăng 17,6%.

Thời gian tới, nhằm tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục bám sát tình hình biến động của thế giới và trong nước để có những giải pháp ứng phó linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai. Đặc biệt là quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Từ đó, tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Y.N

Kinh Tế