Tạo chuyển động trong xử lý “điểm nóng” Văn Môn

05/11/2024 19:26 Số lượt xem: 165
Sau hơn 1 tháng tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 1671-CV/TU ngày 23-9; của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 3688/UBND-NN.TN ngày 30-9, đến nay, việc triển khai xử lý ô nhiễm môi trường tại “điểm nóng” xã Văn Môn (Yên Phong) đang dần chuyển động với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Theo lộ trình Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn giai đoạn 2022-2026 và phương án của xã về bảo vệ môi trường làng nghề đặt ra mục tiêu: Các cơ sở cô đúc nhôm hoàn thành lắp đặt xong hệ thống xử lý khí thải trong năm 2024; di dời cơ sở cô đúc nhôm tại làng nghề vào Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá trong năm 2026. Qua đánh giá, tiến độ thực hiện lộ trình còn chậm vì khá nhiều vướng mắc.
Lý giải nguyên nhân, theo ông Phạm Đức Định, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong: Do làng nghề tồn tại từ lâu trong khi địa phương, ngành chức năng chưa xây dựng được phương án và đơn giá xử lý chất thải rắn tồn đọng, nên chưa thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, cũng chưa có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ về công nghệ; xây dựng lắp đặt hệ thống xử lý khí thải cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư thôn Mẫn Xá. Tỷ lệ các cơ sở cô đúc nhôm di dời ra khỏi khu vực dân cư còn thấp, hiện mới có 86 tổ chức, cá nhân hoạt động tại Cụm công nghiệp Mẫn Xá. Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong làng nghề, trong Cụm công nghiệp Mẫn Xá còn hạn chế. Nhiều cơ sở còn băn khoăn trong việc phải di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh…

 

Hàng trăm cơ sở tái chế nhôm vẫn hàng ngày xả thải khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.


Tại cuộc họp về triển khai xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo: Kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế nhôm trong làng nghề Mẫn Xá khi không có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường đạt quy chuẩn Việt Nam và không có hợp đồng với đơn vị có năng lực về xử lý xỉ thải theo quy định của pháp luật, trước ngày 31-12-2024.
Triển khai chủ trương này, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1347 về việc kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, xây dựng… đối với Cụm công nghiệp Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất trong cụm; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh do Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra từ ngày 1-11 và báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30-11. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện Yên Phong đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và làng nghề xã Văn Môn với quy mô 3,8 ha để xử lý lượng xỉ thải khổng lồ tồn đọng khoảng 400.000 tấn.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Công Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện Yên Phong, UBND xã thành lập 2 tổ tuyên truyền mỗi tổ gồm 10 thành viên do 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, trực tiếp đến 126 cơ sở cô đúc nhôm đang hoạt động để vận động thực hiện các quy định pháp luật về môi trường tại khu dân cư, chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra Cụm công nghiệp và lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và loa phát thanh của thôn Mẫn Xá; vận động thông qua các hoạt động hội họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã”.

 

Hàng tấn phế liệu được tập kết chờ cô đúc tại một cơ sở tái chế làng nghề Mẫn Xá.


Xã Văn Môn phối hợp các lực lượng chức năng siết chặt việc kiểm tra vi phạm môi trường. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, bắt giữ được 64 vụ việc với 65 đối tượng, số tiền xử phạt là 828,5 triệu đồng với vi phạm chủ yếu là: cô đúc, tái chế nhôm, đổ chất thải rắn trái quy định; chuyển giao hoặc tiếp nhận chất thải rắn thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định...
Nhận thức của người dân làng nghề dần có sự chuyển biến, hầu hết đều cơ bản đồng thuận với chủ trương của Nhà nước, song đây là sinh kế của nhiều gia đình nên nguyện vọng của họ là được các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ giá thuê đất; kinh phí, công nghệ xử lý xỉ thải; hệ thống xử lý khí thải… Bởi để di dời ra Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, riêng tiền thuê đất trong thời gian 50 năm gần 2 tỷ đồng/lô chưa kể chi phí xây dựng nhà xưởng và hạ tầng, trang thiết bị khác lên đến gần chục tỷ đồng là quá khả năng với các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Với quan điểm không đánh đổi môi trường, sức khoẻ con người lấy kinh tế và mục tiêu hướng đến tăng trưởng xanh, thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; vận động các tổ chức, cá nhân trong làng nghề và Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuần tra, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về khí thải, chất thải, vận chuyển xỉ thải và rác thải công nghiệp trên địa bàn xã Văn Môn. Triển khai, thực hiện có hiệu quả từng nội dung cụ thể và mục tiêu đặt ra của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề xã Văn Môn giai đoạn 2022-2026.
Tin tưởng rằng, với sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, “điểm nóng” ô nhiễm môi trường ở Văn Môn sẽ dần hạ nhiệt, trả lại sự bình yên, môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây và các vùng lân cận.

Tuấn - Thương

Kinh Tế