Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Giáp Thìn

24/12/2023 19:30 Số lượt xem: 1175
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tiêu thụ luôn có xu hướng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Cùng đó, các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt gần 92.000 tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt 7,2% kế hoạch năm. Kết quả trên cho thấy, thị trường hàng hóa trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, do khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, sức mua và đời sống của người dân. Thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực; giá hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; lưu thông hàng hóa, thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực... Những nhân tố này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương chủ động xây dựng phương án và tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp sớm triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án xử lý những biến động bất thường của thị trường…

 

Các đơn vị kinh doanh hàng hóa phục vụ tiêu dùng đã chủ động phương án dự trữ,  sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường


Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ theo dõi tình hình diễn biến của thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá để chủ động xây dựng Phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm kết hợp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch, bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá phù hợp, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp... nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung. Công ty Điện lực cung cứng điện đầy đủ, ổn định và có phương án dự phòng cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, giám sát thị trường hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu cao, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa; chủ động thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường trên địa bàn cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí địa điểm tổ chức các chợ hoa, các điểm bán hàng lưu động dịp Tết; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường…
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng bảo đảm được lượng hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu của người dân, các đơn vị kinh doanh hàng hóa phục vụ tiêu dùng đã chủ động kế hoạch dự trữ hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Trần Văn San, Giám đốc Siêu thị Trường Giang, phường Hương Mạc (TP Từ Sơn) cho biết: “Năm nay, đơn vị chủ động tích trữ hàng tết ước hơn 40 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hàng tết cơ bản đã nhập đủ về kho. Giá nhập một số mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ so với vài tháng trước còn lại cơ bản ổn định, nên dịp cuối năm và Tết Nguyên đán dự kiến sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Siêu thị bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường…”.
Với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành sát sao của ngành chức năng và các địa phương, sẽ góp phần bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Thanh Ngân

Kinh Tế