Gửi, nhận văn bản điện tử nâng cao hiệu quả chính quyền các cấp

12/07/2024 09:45 Số lượt xem: 339
Sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính, đã có 94/94 bộ, ngành, địa phương kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tại Bắc Ninh, Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã được ứng dụng đồng bộ đến tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phần mềm hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý và điều hành tác nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc ứng dụng hiệu quả các phầm mềm dùng chung đã góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính các cấp. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện; 80% UBND cấp xã đã tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy với tổng số gần 18 nghìn tài khoản thư điện tử công vụ. 100% cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên đảm bảo việc tạo lập hồ sơ công việc và ký số lãnh đạo văn bản điện tử.

 

Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành trong nội bộ tỉnh đã đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan nhà nước của tỉnh thông qua Trục liên thông văn bản.

 

Số lượng văn bản gửi, nhận điện tử qua Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành trong nội bộ tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay đạt gần 627 nghìn văn bản, trong đó có hơn 504 nghìn văn bản đến. Số văn bản gửi, nhận điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia là gần 20 nghìn văn bản. Huyện Tiên Du là địa phương có số lượng văn bản gửi, nhận qua Hệ thống nhiều nhất với gần 5000 văn bản. Hệ thống đã đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan nhà nước của tỉnh thông qua Trục liên thông văn bản, đồng thời quản lý hồ sơ công việc khoa học, hiệu quả, nâng cao công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, thời gian, đáp ứng nhanh, kịp thời công tác quản lý, thống kê, tra cứu văn bản của đơn vị. Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã và đang tạo nên môi trường làm việc hiện đại gắn với cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Việc soạn thảo và ban hành văn bản điện tử nhằm tối ưu hóa sử dụng các dịch vụ trực tuyến như thanh toán tiện ích, nộp thuế và đăng ký doanh nghiệp mới với các cơ quan trong nước và nước ngoài. Khả năng kết nối, mở rộng, hợp tác và giải quyết công việc thông qua văn bản điện tử cao. Việc truy cập thông tin theo phân lớp bảo mật được thực hiện dễ dàng, hiệu quả bằng mật khẩu, khóa số, chữ ký điện tử, quản lý được tính toàn vẹn, bảo mật của dữ liệu và xác định được nguồn gốc của văn bản điện tử.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành. Để nâng cao hiệu quả của việc gửi, nhận văn bản điện tử, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xác định việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là thực hiện đột phá về cải cách hành chính. Tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch điện tử, chữ ký số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; bảo đảm 100% các văn bản, hồ sơ công việc được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số và gửi, nhận trên môi trường điện tử theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh theo Quy chế Quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tại Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2022 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

N.Quân

Khoa học - Công nghệ