Sự tích Thánh Tam Giang

06/10/2024 22:09 Số lượt xem: 98
Thánh Tam Giang hay Trương Hống-Trương Hát theo quan niệm của nhân dân ta đó là những vị thần có công với nước, lúc các ông còn sống giúp Triệu Quang Phục đánh quân Lương, lúc các ông thác trở thành vị thần thiêng giúp Lý Thường Kiệt đánh quân Tống xâm lược, giải phóng đất nước.


Sử sách viết về Thánh Tam Giang rất nhiều, chuyện kể về các ông cũng không ít với hàng trăm dị bản khác nhau, song cơ bản nội dung thống nhất, phản ánh đúng tính chất lịch sử của các cuộc kháng chiến từ thời Lý Nam Đế đến mãi sau này, nhưng tiêu biểu nhất là chống quân Lương vào thế kỷ VI và đánh quân Tống xâm lược vào thế kỷ XI.
Theo Sách “Thánh Tam Giang và sự tích thơ thần” của tác giả Trần Quốc Thịnh sưu tầm biên soạn năm 1990: Cách đây 1.300 năm tại làng Vân Mẫu nằm bên bờ Ngũ Huyện Khê thuộc huyện Võ Giàng, có người con gái tên là Phùng Thị Nhan hiền từ đôn hậu, một hôm đi tắm sông trông thấy con rồng cuộn khúc, bỗng bà thấy trong mình nôn nao cảm động mà thành thụ thai, sau đó bà đẻ ra một cái bọc có năm trứng, năm trứng đó nở ra năm người con là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và một người con gái là Mỹ Đạm hay Đạm Nương.
Ngày qua, tháng lại êm đềm xuân hạ thoi đưa, thấm thoắt đàn con khôn lớn, đến một ngày kia, khi quân Lương sang xâm lược nước ta, anh em Trương Hống-Trương Hát theo Triệu Quang Phục đánh giặc, giết được tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên. Sau khi Triệu Quang Phục mất, Lý Phật Tử chiếm ngôi, Trương Hống-Trương Hát không chịu khuất phục kẻ bán nước cướp ngôi nên đã vứt bỏ nhung y, trở về làng Diềm làm ruộng. Biết các ông là tướng tài, Lý Phật Tử tìm mọi cách vời ra làm quan nhưng Trương Hống-Trương Hát nhất định từ chối. Bị truy bức, hai ông đưa cả gia đình lên sống ở mạn Đu Đuổm nhưng vẫn bị Lý Phật Tử lùng bắt. Anh em Trương Hống-Trương Hát bàn nhau đóng một chiếc thuyền gỗ rồi đưa cả gia quyến xuôi theo dòng sông Cầu đến Ngã Ba Xà, họ đục thuyền cho nước tràn vào và tự vẫn ở đó để giữ trọn tấm lòng trung.
Ngọc Hoàng Thượng đế biết chuyện vô cùng thương cảm, phong hai ông làm thần, gọi là Long quân phó sứ cai quản vùng sông Cầu. Cảm thương người có công với nước, cả nhà trung nghĩa mà bị thác oan, nhân dân các làng từ phía thượng nguồn ở Ngã Ba Xà đến hạ nguồn Lục Đầu Giang đều thờ các ông làm Thành hoàng, gọi là đức Thánh Tam Giang.
Thời nhà Lý, quân Tống xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu (phòng tuyến Như Nguyệt). Tại đền Xà, hai vị thần Trương Hống-Trương Hát âm phù vang lên bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”, giúp Lý Thường Kiệt đánh tan quân giặc. Các triều vua về sau Lý, Trần, Lê đem quân đánh giặc phương Bắc trên dòng sông Cầu đều được Thần phù trợ đánh thắng và đều có sắc phong cao nhất cho Thần là “Tam Giang thượng đẳng thần”.
Tác giả Trần Quốc Thịnh là một trong số các nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian, tâm sức đi điền dã đến các làng thờ Thánh Tam Giang và sưu tầm, ghi chép những câu chuyện kể của người dân kết hợp nghiên cứu qua hàng chục cuốn sách cổ kim ghi chép về các vị Trương Hống-Trương Hát. Trong cuốn “Thánh Tam Giang và sự tích thơ Thần” xuất bản năm 1990, tác giả Trần Quốc Thịnh bình luận: Trương Hống-Trương Hát là nhân vật anh hùng lịch sử, sống trực tiếp đánh giặc cứu nước, chết uy linh đi vào tín ngưỡng dân gian, chỗ dựa cho các vua, tướng giỏi đời sau, biến từ sức mạnh trừu tượng của thần linh sang sức mạnh cụ thể của con người mà chiến thắng giặc ngoại xâm và giữ gìn độc lập cho Tổ quốc, thật đáng tên để ngàn thu.
Ngày nay, hệ thống di tích thờ Thánh Tam Giang và đền Vân Mẫu thờ Thánh Mẫu là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian có chiều dài lịch sử hơn ngàn năm cùng không gian văn hóa rộng lớn với trên 300 làng thờ. Điều này góp phần soi sáng những trang lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc .

Thuận Thảo (t/h)