Năm tháng không thể quên trong cuốn hồi ký “Những ngày tháng Tám”

23/09/2024 10:34 Số lượt xem: 279
Ông Bùi Cẩn Công (tên khai sinh Bùi Văn Hoan) sinh năm 1924 ở Xuân Ái, Hòa Long, Bắc Ninh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Bắc; Bí thư Huyện ủy Võ Giàng và huyện Quế Võ; Phó Bí thư Thị ủy Bắc Ninh; Trưởng ty Thủy lợi tỉnh Hà Bắc; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp VHNT Việt Nam; Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Bắc. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1940 và trực tiếp tham gia mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuốn hồi ký “Những ngày tháng Tám” của ông được xuất bản vào năm 2008. Với thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, không hư cấu, ông mong rằng những diễn biến của lịch sử nhất là những tư liệu lịch sử về những ngày cách mạng tháng Tám ở vùng quê Bắc Ninh sẽ giúp các thế hệ sau hiểu rõ hơn về ý nghĩa và giá trị to lớn của nó.

Nội dung cuốn sách được chia ra làm 3 phần: Phần 1: Đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân dưới thời đế quốc phong kiến. Phần 2: Nhận mật lệnh “Tiến hành cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay đế quốc Pháp - Nhật và bọn phong kiến”. Phần 3: Khu Hàm Long, huyện Võ Giàng đấu tranh xóa bỏ tận gốc những tàn dư của đế quốc Pháp - Nhật và bọn tay sai của chúng để lại.
Trong phần 1, về đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân thời Pháp thuộc, dưới góc nhìn của chàng thiếu niên mới nhận biết được cuộc sống ở tuổi lên 10, 12 tuổi thì đó là một “cuộc sống nghèo kiệt không ngóc đầu lên được”.
Về ăn: hầu hết các gia đình sống theo kiểu “kiếm ăn lần hồi, ăn tối lo mai”, không nhà nào có thóc gạo dư, quanh năm phải ăn dưới mức nghèo khổ: cơm hoặc cháo độn khoai, rau, sắn. Khi khoai còn ít, gạo cũng không đủ để nấu cơm độn (cơm là chính, khoai là phụ) thì phải chuyển sang nấu “cơm bâu” (nghĩa là có vài hạt cơm bâu vào củ khoai). Vào những ngày đông tháng giá, mưa dầm gió bão, những ngày “giáp hạt” thì đến khoai cũng không có mà ăn, phải đi xin “chẩn bần” của chính quyền thực dân Pháp tổ chức.
Về mặc: mùa nóng cũng như mùa lạnh phổ biến mỗi người có 2 bộ quần áo nâu (thường là một bộ lành, một bộ đã rách có nhiều mảnh vá), có nhiều người cả 2 bộ cùng rách. Chỉ một số ít người có “áo mền” mùa đông. Áo mền có 2 loại: 1 loại là mền bông (áo có bông bên trong), 1 loại là “mền đụp” (là những áo mỏng có nhiều mảnh vá chằm vá đụp lâu dần trở nên dày và nặng hơn).
Về nhà ở: đa số là nhà lợp tranh, tường vách đất, kiểu 1 gian 2 chái lòng hẹp, dựng sơ sài, cột kèo bằng tre, cửa đan bằng phên nứa. Nền nhà tấn bằng đất nện. Trong nhà hầu hết không có giường, chõng, bàn, ghế, tủ mà chỉ có 1 sợi dây chăng từ cột nọ sang cột kia để vắt quần áo.
Về học thức: các xã đều không có trường học dẫn tới tình trạng toàn dân mù chữ. Đường xá không có, điều kiện chữa bệnh lại càng khổ hơn vì không có bệnh viện và người dân quá nghèo không có tiền chữa bệnh.
Về đời sống chính trị: trừ một số ít người làm việc trong bộ máy cai trị Pháp mới có tự do còn đại đa số người dân không có tự do, bị thực dân và địa chủ bóc lột tới tận xương tủy. Nông dân phần lớn không có ruộng, phải nhận ruộng của địa chủ, phú nông về “cấy rẽ” (nghĩa là nhận ruộng cày cấy đến khi thu hoạch thì rẽ đôi mỗi người một nửa) hoặc nộp tô (nghĩa là nhận ruộng cày cấy rồi nộp lại tô cho họ theo thỏa thuận lép vế, người cấy chỉ được dưới một nửa nhưng vẫn phải chịu lún để có thêm hạt thóc gạo chống đói lúc tháng 3 ngày 8).
Phần 2 là nội dung chính của cuốn hồi ký viết về những ngày cách mạng tháng Tám sôi sục tại xã Xuân Ái nói riêng và thành phố Bắc Ninh nói chung. 16 tuổi, chàng thanh niên Bùi Văn Hoan bị nghỉ việc thì được những người cách mạng như anh Bưu, Lương Ngọc Chức (người Đặng Xá) giác ngộ. Qua một thời gian anh được giao một số nhiệm vụ như: làm công tác tư tưởng cho một số đối tượng để kết nạp vào đội Thanh niên cứu quốc vào ngày 15/6/1945; chuẩn bị các đối tượng để hôm đó công bố bộ máy mặt trận Việt Minh xã; tổ chức và huấn luyện (tập dượt lực lượng để khi có lệnh huy động phải đáp ứng được yêu cầu ngay). Ngày 15/6/1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Xuân Ái được thành lập gồm 3 người do Bùi Văn Hoan làm Bí thư được giao nhiệm vụ trong 1 thời gian ngắn phải tìm đủ người xứng đáng tiêu biểu cho các đoàn thể cứu quốc của xã như thanh niên, phụ nữ, nông dân, nhi đồng…
Sáng ngày 16/8/1945, anh nhận lệnh đột xuất của “thượng cấp” về việc tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay đế quốc Pháp - Nhật và bọn Ngụy quyền tay sai. Trong đó chủ yếu là việc truyền đạt mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa, chuẩn bị lực lượng phá các cuộc mít tinh của bọn phản động Đại Việt quốc gia liên minh tại sân vận động Suối Hoa vào ngày 19/8/1945, phá sập thanh thế của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, giành ảnh hưởng tối đa cho Việt Minh và nổi dậy cướp chính quyền ngay sau đó.
Nhận lệnh, Bùi Văn Hoan và các đồng chí phân công nhau đi tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào đội quân cách mạng đi biểu tình, nổi dậy cướp chính quyền. Đội quân cách mạng tổ chức tập dượt trong 3 ngày 16, 17, 18 để 7 giờ sáng 19/8/1945 phải có mặt đông đủ ở Dốc Đặng hội quân với các xã khác. Nội dung tập luyện điều lệnh khớp với hát bài ca khúc quân hành để tạo khí thế hùng dũng. Ngay trong tối ngày 16, đoàn thanh niên cứu quốc Xuân Ái chia nhau đến từng nhà vận động đến 3 giờ sáng đã có 37 người tình nguyện tham gia và quyết định tập dượt đội ngũ trong 2 ngày 17 và 18 tại bãi Vườn Gỗ. Không khí tập luyện hào hùng sôi nổi từ đến 3 giờ sáng khi tiếng còi tàu nhà ga cất lên mà đội quân cách mạng vẫn chưa muốn dừng nghỉ. Nhiều người tiếp tục tình nguyện bổ sung vào đội quân cách mạng với quân số lên đến 56 người. So với dân số xã Xuân Ái lúc bấy giờ thì đây là một lực lượng cách mạng không hề nhỏ.
Đúng 6 giờ sáng ngày 19/8/1945, đội quân cách mạng xã Xuân Ái đã đến Dốc Đặng hội quân với các xã cùng hành quân lên Sân vận động Suối Hoa hô vang khẩu hiện “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Minh muôn năm”… Sau đó đoàn quân cách mạng tiến hành hạ cờ Đại Việt xuống, kéo cờ đỏ sang vàng lên đồng thời diễn thuyết vạch trần âm mưu của bọn Đại Việt quốc gia liên minh, của chính phù bù nhìn Trần Trọng Kim; đồng thời giải thích chính sách đại đoàn kết của mặt trận Việt Minh, động viên kêu gọi quần chúng ủng hộ Việt Minh.
Mít tinh xong, đội quân cách mạng xã Xuân Ái hừng hực khí thế cùng các xã khác đi tuần hành thị uy ở các đường phố Thị Cầu, Đáp Cầu và các tuyến phố chính của thị xã Bắc Ninh. Một không khí sục sôi hào hùng, đi đến đâu lại nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân cùng hòa vào đoàn quân cách mạng đi biểu tình, vây bắt những tên phản cách mạng và tịch thu vũ khí bàn giao cho chính quyền. Sau đó, đội quân cách mạng xã Xuân Ái kéo về tịch thu bằng triện của lý dịch địa phương và làm lễ tuyên bố ra mắt UBND cách mạng lâm thời xã Xuân Ái do ông Bùi Văn Thiều làm chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám của nhân dân Xuân Ái nói chung và Bắc Ninh nói riêng giành thắng lợi hoàn toàn.
“Những ngày tháng Tám” sôi sục trong hồi ức của đồng chí Bùi Cẩn Công không chỉ dừng lại ở việc lực lượng quần chúng cách mạng tiến hành tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở một vùng thuộc tỉnh Bắc Ninh mà còn là cuộc đấu tranh để xóa bỏ tận gốc những tàn dư của đế quốc Pháp - Nhật và bọn phong kiến tay sai bằng những việc làm cụ thể: giúp nhân dân các địa phương từng bước khắc phục tình trạng thiếu đói triền miên do Pháp - Nhật - phong kiến để lại; tiêu diệt tận gốc bọn tàn quân của Việt Nam Quốc dân đảng đóng ở chùa Hàm Long; tiến hành cuộc vận động củng cố chính quyền và các đoàn thể cách mạng ở các thôn, xã; xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng làm giường cột vững chắc cho chính quyền và phong trào cách mạng ở địa phương… Nội dung này được thể hiện đầy đủ trong phần 3 của cuốn hồi ký.
Với 125 trang hồi ký, “Những ngày tháng Tám” hiện lên chân thực dưới ngòi bút của tác giả Bùi Cẩn Công, phản ánh tinh thần quật khởi của quần chúng cách mạng ở một vùng không rộng lớn thuộc tỉnh Bắc Ninh, góp phần cùng nhân dân cả nước tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Phan Thị An Ngọc