Đặc sắc Lễ hội Viêm Xá

22/09/2024 23:02 Số lượt xem: 37
Bắc Ninh là cái nôi của Dân ca Quan họ. Đây cũng là nơi có nét văn hóa dân gian đặc sắc gắn liền với hơn 300 lễ hội lớn nhỏ, chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân. Không chỉ là nơi thực hành các tín ngưỡng dân gian, Lễ hội ở Bắc Ninh là một trong những dịp quan trọng để các liền anh, liền chị gặp gỡ, giao duyên, để Dân ca Quan họ được bay bổng cùng đời sống. Lễ hội làng Viêm Xá (nay là khu phố Viêm Xá, phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) là một trong những điển hình đặc sắc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Thị Chung, Viêm Xá (Diềm) là một trong số ít những làng Việt cổ còn đầy đủ bộ ba thiết chế văn hóa đình đền chùa của một thời phong kiến Việt Nam “tam giáo đồng tôn”.
 Chùa Viêm Xá (Hưng Sơn tự) có kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống bao gồm năm gian tiền đường và ba gian thượng điện. Hầu hết các pho tượng đều có niên đại từ thời Lê. Ngoài ra, chùa Diềm còn có bức cửa võng và năm bức y môn là những bức phù điêu chạm lộng tinh xảo của nghệ thuật thời Nguyễn. Đình Viêm Xá được xây dựng vào tháng 6 năm 1692, là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng vì có bức cửa võng độc nhất vô nhị ở xứ Bắc. Đình Viêm Xá thờ bốn vị Thành hoàng là Đô Thống, Giáp Ngọ, Nhữ Vương Nam Hải, Đức Thánh Tam Giang.
Đặc biệt, trong 49 làng Quan họ gốc chỉ ở Diềm có đền thờ Thủy tổ Quan họ gọi là đền Vua Bà. Trong quần thể di tích của Viêm Xá còn có đền Cùng là nơi thờ hai vị nữ thần Ngọc Dung và Thủy Tiên công chúa. Đền được xây dựng ở chân núi Kim Linh trước một cái giếng cổ. Nước giếng trong xanh không bao giờ cạn, gọi là giếng Ngọc, trong giếng có cặp cá chép vàng sống hàng trăm năm.
 Theo tục lệ từ xưa, một năm ở Viêm Xá có bốn tiết lệ chính: Hội chùa ngày 15 tháng Giêng âm lịch; Hội đền Vua Bà ngày 6 tháng 2 âm lịch; Hội tát giếng ngày 3 tháng 3 âm lịch; Hội đình ngày 6 tháng 8 âm lịch. Trong đó, mỗi tiết lệ có một sắc thái riêng. Ngày 15 tháng Giêng âm lịch là ngày hội chùa. Sau khi lễ Phật, lần lượt từng bọn Quan họ ngồi xuống chiếu trải sẵn ở sân chùa hát đối đáp với nhau cho tới khi các bọn Quan họ ở các làng xung quanh như Xuân Đồng, Xuân Ái, Hữu Chấp, Châm Khê sang lễ phật. Lễ phật xong thì được mời xuống chiếu hát Quan họ cho đến chiều tối mới nghỉ.
 Ngày 6 tháng 2 âm lịch là ngày kỷ niệm ngày Đức Vua Bà du xuân giáng hạ xuống trang Viêm Xá. Dân làng tổ chức lấy nước từ giếng Ngọc để làm lễ bao sái, sau đó cử hành tế lễ. Đến tối, tất cả các bọn Quan họ trong làng tụ tập trước cửa đền Vua Bà hát Quan họ với nội dung ca ngợi công đức của vua Bà. Đặc biệt, mỗi khi gặp hạn hán, làng Diềm lại tổ chức làm lễ cầu đảo tại đền Vua Bà. Lễ cầu đảo thường diễn ra ba ngày ba đêm, thậm chí kéo dài tới chín ngày, đến có mưa mới thôi. Ban ngày, làng tổ chức tế lễ và mở các trò vui như vật, cướp cầu. Ban đêm, tập trung toàn bộ bọn Quan họ trong làng để hát Quan họ. Tục lệ quy định chỉ được hát giọng lề lối với nội dung ca ngợi công đức Vua Bà và cầu mưa. Trong các trò vui thì trò cướp cầu là tiết mục cuối cùng của lễ cầu đảo, diễn ra vào sáng ngày thứ ba. Người ta đào hai lỗ vuông ở hai phía sân đền (một lỗ đằng đông, một lỗ đằng tây). Quả cầu làm bằng gỗ quét sơn màu đỏ được đặt lên bàn ở giữa sân. Trai đinh trong làng chia làm hai phe: phe đông, phe tây. Ông chủ tế làm lễ thắp hương khấn Vua Bà rồi tung cầu ra cho hai bên tranh nhau cướp. Buổi cướp cầu sẽ kết thúc khi cầu bỏ được vào lỗ và dân làng tin rằng trời sẽ mưa.
Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, làng Viêm Xá tiến hành lễ tát giếng thay nước, rửa nguồn. Theo tục lệ, chỉ những người con trai thanh tân mới được tham gia tát giếng. Làng chọn hai người giả làm con gái xuống cọ giếng, bắt cá chép vàng thả vào cối đá xanh ở cạnh giếng. Sau khi thay nước xong cá chép vàng lại được thả xuống giếng. Trong dịp này dân làng và khách thập phương đến trẩy hội rất đông để cầu tài, cầu lộc...
Hội đình Viêm Xá được tổ chức vào ngày 6 tháng 8 âm lịch hằng năm, tùy điều kiện từng năm làng tổ chức lễ hội to hay nhỏ. Vào những năm được mùa, lễ hội diễn ra chu đáo, trọng thể. Làng tổ chức rước từ đình sang đền, đám rước được tiếp tục theo đường làng tới nghè giáp đê Hữu Chấp, đến nghè giáp làng Quả Cảm, cuối cùng về đền Cùng lấy nước rước về đình, cử hành lễ tế. Trong dịp hội, dân làng Viêm Xá tổ chức đón tiếp chạ anh Hoài Bão (Bựu) về dự hội. Sau nghi thức tế lễ thì làng tổ chức hát Quan họ ở sân đình. Bên Viêm Xá toàn nữ, bên Hoài Bão toàn nam. Hai bên nam nữ hát đối đáp với nhau. Dân làng Diềm tin rằng có như vậy mùa màng mới bội thu, dân làng mới khang thịnh.
Hội Viêm Xá là sự diễn lại hình thái văn hóa cổ truyền với đầy đủ tính tích cực của nó: Biểu hiện truyền thống văn hóa lâu đời của địa phương mang nét chung của vùng Quan họ đồng thời mang nét đặc thù của quê hương “Thủy tổ Quan họ”.

Vân Giang