Lễ hội làng Lũng Sơn, Lũng Giang

24/09/2024 20:26 Số lượt xem: 81
Lũng Sơn và Lũng Giang là 2 làng thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du. Đây là 2 trong số những làng Quan họ gốc của tỉnh có lễ hội gắn liền với sinh hoạt văn hoá Quan họ đặc sắc.

Trong cuốn sách Không gian văn hoá Quan họ, tác giả Lê Thị Chung cho biết: Theo tục lệ, hằng năm Lũng Giang mở hội Xuân từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng. Sau những nghi thức tế lễ, dâng hương cúng phật, hoạt động bao trùm là tục hát Quan họ. Vì vậy dân gian còn gọi là hội Quan họ. Công việc chuẩn bị cho tục hát Quan họ ở hội Lũng Giang được chuẩn bị rất chu đáo từ mấy tháng trước. Các bọn Quan họ phải tập trung tại các nhà chứa để ôn luyện bài bản cũng như những câu giao tiếp sao cho thật nhuần nhuyễn, thường xuyên đi hát giao lưu với các bọn Quan họ ở các làng khác để đến ngày hội mọi sự được viên mãn. Gần đến ngày Hội, bọn Quan họ cử người đi mời các bọn Quan họ Tam Sơn, Hoài Bão, Đống Cao đến dự hội.
Ngày hội Lũng Giang xưa, các bọn Quan họ đối đáp với nhau bằng những câu hát chứa chan tình cảm, ban ngày thì hát Quan họ ở sân đình, sân chùa, trên đồi Lim, ban đêm thì hát Quan họ trong các nhà chứa, còn gọi là hát canh. Đây là hình thức hát hấp dẫn nhất vì nó biểu hiện một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất lề lối Quan họ. Vào những năm làng mở hội lớn, hội chạ tổng Nội Duệ, thì các cuộc hát canh ở nhà chứa kéo dài tới 3 ngày, 3 đêm mới kết thúc. Ngoài tục hát Quan họ, ở hội Lũng Giang còn có nhiều cuộc vui như đánh đu, cờ tướng, vật, thi dệt vải. Đặc biệt, còn có tục lệ thi làm cỗ chay và đánh cá chạ.
Thi cỗ chay ở Lũng Giang diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng (âm lịch). Mỗi giáp phải chuẩn bị 6 cỗ mang ra đình thi. Nguyên liệu làm cỗ chay gồm có gạo nếp, đỗ xanh, vừng, đu đủ, dừa, rau cần, rau cải, rau rút, rau diếp, mướp, mía, dưa gang, giá đỗ, tương, muối để tạo lên các món xôi, các loại chè, các loại kẹo, các món nộm. Tục lệ thi làm cỗ chay còn được tổ chức vào tháng 7.
Hội Lũng Giang xưa bao giờ cũng tổ chức đánh cá chạ vào sáng ngày khai hội 11 tháng Giêng. Làng Lũng Sơn  và  làng Lũng Giang gần như là “anh em một nhà”, cùng mở hội xuân 13 tháng Giêng. Sau khi 2 làng làm lễ tế cáo Thành hoàng xong, trống hiệu nổi lên, dân 2 làng cùng nhau ra bắt cá ở ao chạ. Theo qui định, trong ao có tôm, cá, cua, ốc phải bắt hết. Nếu các loại cá chép, cá mè, cá trôi bắt được 3 con thì người bắt được con to thứ hai, số còn lại tập trung chia đều cho các giáp để chia đều cho mọi người.
Hội làng Lũng Sơn xưa kia bắt  đầu từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch thì kết thúc. Để chuẩn bị cho ngày khai hội, người ta phải lau chùi đồ tế khí, đồ thờ cho sạch sẽ, các giáp bàn nhau việc tổ chức, cắt cử nguời tham gia rước sách, phục vụ trong ngày hội, mọi việc chuẩn bị đến tối 10 tháng Giêng là xong để sáng ngày l1 làng làm lễ nhập tịch, tế cáo Thành hoàng, sau đó trống hiệu nổi lên, dân 2 làng Lũng Sơn và Lũng Giang ra bắt cá ở ao chạ. Trong ngày 12, làng tổ chức khao lão cho các cụ. Ngày 13 tháng Giêng, ngày chính hội, lễ rước được cử hành. Làng tổ chức rước từ đình Ngoài lên chùa Lim. Đoàn rước tập trung tại đình Ngoài (đình của 3 xóm),vào đình làm lễ xong thì xuất phát. Đi đầu đám rước là 5 lá cờ ngũ hành, tiếp theo là chiêng, trống phường bát âm, tiếp theo hương án, kiệu bát cống sơn son thếp vàng, đi cùng kiệu là lọng, tàn tán rực rỡ uy nghi. Đi sau kiệu là các cụ quan viên ăn mặc chỉnh tề, áo the, khăn xếp, quần trắng, các cụ bà mặc áo tứ thân màu nâu. Đi sau cùng là đông đảo dân chúng. Đám rước tiến lên đồi Lim, dâng hương cúng Phật và bà Mụ Ả. Đám rước lần lượt quay lại đình làng làm lễ yên vị, rồi tổ chức tế lễ. Bên cạnh những nghi thức tế lễ, làng mở các trò chơi như đánh đu, vật, thi dệt vải, hát tuồng, chơi cờ, song hoạt động chủ yếu, bao trùm ở hội Lũng Sơn là sinh hoạt văn hóa Quan họ. Hát Quan họ ở hội Lũng Sơn giống như ở các làng Quan họ khác có 2 hình thức: Những bọn Quan họ kết bạn với nhau thì hát ở trong nhà chứa, đó là các bọn Quan họ Lũng Sơn với bọn Quan họ Hoài Trung, Bồ Sơn. Những bọn Quan họ đi xem hội thì hát ở ngoài trời, xung quanh đền, trên đồi Lim. Bởi vì hội Lũng Sơn 13 tháng Giêng nằm trong quần thể hội Lim, hội chạ tổng Nội Duệ xưa vì vậy khách thập phương kéo về trẩy hội rất đông.

Vân Giang