Hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh, bền vững

09/10/2024 21:03 Số lượt xem: 324
Hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh và bền vững, tỉnh luôn quan tâm, phát triển các loại hình vận tải công cộng đặc biệt là vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giúp giảm tải phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Khai thác hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

 

Tình trạng ùn tắc giao thông, nguy cơ mất ATGT xảy ra tại một số tuyến đường trung tâm các huyện, thị xã, thành phố vào khung giờ cao điểm do lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao và tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân khoảng 8-10%/năm (theo thống kê của ngành Giao thông Vận tải). Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, năng lực giao thông công cộng còn hạn chế, gây áp lực lớn lên các trục đường, tuyến phố chính, dẫn đến nguy cơ xảy ra va quệt, tai nạn giao thông tăng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 tuyến xe buýt (6 tuyến ngoại tỉnh, 7 tuyến nội tỉnh). Các tuyến xe buýt ngoại tỉnh bước đầu đáp ứng kết nối tỉnh Bắc Ninh với các tỉnh, thành phố lân cận như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương. Các tuyến xe buýt nội tỉnh kết nối đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân. Về lâu dài, để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thì cần thiết phải có kế hoạch, phương án phát triển hệ thống xe buýt bài bản, khoa học, hướng đến sự an toàn, thân thiện với môi trường.
Theo ông Ngô Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Đề án phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ chia thành từng giai đoạn, chỉ tiêu khai thác, vị trí các điểm dừng, đón, trả khách trên tuyến cụ thể, phù hợp với thực tế, nhằm thiết lập mạng lưới tuyến vận tải hành khách hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến chất lượng dịch vụ tốt, cơ cấu giá thành hợp lý, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2024 - 2030, mạng lưới tuyến xe buýt toàn tỉnh sẽ xây dựng 13 tuyến xe buýt (7 tuyến xe buýt hiện có và 6 tuyến mở mới).Về chỉ tiêu khai thác, bổ sung một số tuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt để tạo thói quen, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Thời gian hoạt động các tuyến buýt: 5h30-19h30, tần suất xe chạy 15-25 phút/lượt vào giờ cao điểm và 25-35 phút/lượt vào giờ bình thường. Ưu tiên dùng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến mới mở và điều chỉnh thay thế từ xe buýt dùng nhiên liệu Diezen sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến đang khai thác. Giai đoạn 2030-2035, tiếp tục tăng lên 19 tuyến buýt, trong đó 6 tuyến mở mới, tần suất chạy xe từ 10-20 phút/lượt vào giờ cao điểm và 20-30 phút/lượt vào giờ bình thường; phương tiện chủ yếu sử dụng điện, năng lượng xanh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Trước mắt, ngành Giao thông Vận tải tổ chức rà soát, xây dựng phương án đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, gồm, điểm đầu-cuối, điểm dừng, đỗ, bãi đậu xe qua đêm; tham mưu tỉnh bố trí thêm quỹ đất dành cho giao thông công cộng. Ưu tiên lựa chọn phương tiện phù hợp, sử dụng điện năng, thân thiện với môi trường; xây dựng giá vé, nhu cầu vốn đầu tư; triển khai ứng dụng phần mềm App-bus với hệ thống camera giám sát tại các điểm đầu- cuối và nhà chờ xe buýt, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt, được truyền tải dữ liệu liên tục, trực tuyến về Sở Giao thông Vận tải.… nhằm quản lý chặt chẽ và khai thác tối ưu các ưu thế của loại hình vận tải công cộng này.  
Hiện tại, công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, thông tin về lộ trình, thời gian cũng như tần suất phục vụ của từng tuyến buýt được thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp người dân nhận thức đầy đủ về lợi ích của loại hình vận tải công cộng này, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững của tỉnh.

Hoài Anh