Hội làng Hữu Chấp

27/10/2024 21:35 Số lượt xem: 32
Hữu Chấp xưa (còn gọi là Kẻ Chắp) thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, nay thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là một làng cổ nằm ở bờ nam sông Cầu. Hàng năm, sau những ngày làm ăn vất vả, người dân Hữu Chấp lại tổ chức hội làng vào ngày bốn tháng Giêng. Đây là lễ hội sớm nhất trong 49 làng Quan họ gốc. Hội Hữu Chấp có trò kéo co nổi tiếng nên còn gọi là hội kéo co.

Cũng như các lễ hội cổ truyền khác, lễ hội ở Hữu Chấp có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Công việc tế lễ ở hội Hữu Chấp được chuẩn bị chu đáo từ một tháng trước khi diễn ra lễ hội. Các cụ quan viên họp bàn phân công từng nhóm, từng người chuẩn bị tập luyện. Trước khi tế lễ được cử hành vào sáng mồng bốn, làng tổ chức rước nước. Làng chọn những thanh niên khỏe mạnh, chưa lập gia đình khiêng kiệu, bên trong kiệu có đặt chóe, rước ra bờ sông Cầu, sau đó cử bốn thanh niên (hai nam, hai nữ) khiêng xuống thuyền, chèo thuyền ra giữa sông để lấy nước rước về đình. Sau đó, lễ tế bắt đầu được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Tất cả các công việc này diễn ra trong buổi sáng ngày mồng 4 tháng Giêng.
Sau những nghi thức lễ tại đình, dân làng tổ chức kéo co vào buổi chiều mồng 4 tháng Giêng. Đây là trò vui truyền thống  nổi tiếng ở Hữu Chấp. Tương truyền, xưa dân làng Hữu Chấp có nghề kéo gỗ thuê ở các bến sông, thường thì những cây gỗ nặng ở bến sông, các thợ nơi khác chịu thì phường kéo gỗ Chắp không chịu nên phường kéo gỗ Chắp được tín nhiệm. Vì lẽ đó bao giờ hội làng Hữu Chấp cũng có tiết mục kéo co.
Trò kéo co ở Chắp được chuẩn bị công phu. Hàng năm, làng cử người đi chọn tre để làm dây kéo từ trước ngày khai hội hàng tháng. Đó là cây tre to, chắc, thẳng không bị đốt kiến ở búi tre của gia đình không có tang trở, sau đó báo cho gia đình có tre biết. Làng chọn hai cây, sau đó giao cho người làm cây dây kéo. Trước tiên phải cạo sạch tre sau đó nối hai cây lại với nhau bằng cách đục hai cây tre rồi lồng hai đòn gánh, xong lấy lạt quấn chặt tết thành ba con nhện, một con ở giữa to, hai con ở hai đầu nhỏ hơn. Làm xong cây dây kéo, làng cho treo ở trước cửa đình để thờ, đến chiều mồng 4 làng làm lễ hạ hai cây dây kéo. Trò kéo co bắt đầu. Tham gia kéo là những trai đinh hàng giáp được chia làm hai phe, phe Đông và phe Tây. Tất cả đều cởi trần, đóng khố thắt lưng nhiễu điều. Sau khi hai ông cai đám làm lễ hạ cây dây kéo xong, bốn ông Hóa cầm cờ lệnh dẫn hai phe Đông và Tây ra làm lễ Thành hoàng làng, chào dân làng. Ba hồi trống lệnh vang lên, bốn ông Hóa phất cờ đi vòng ba lượt rồi hạ lệnh kéo. Trong khi hai bên thi nhau kéo, trống thúc liên hồi. Làng quy định phải kéo ba keo, bên nào kéo được hai keo thì thắng. Trong hai keo đầu không ai được giúp phe nào, chỉ đến keo thứ ba, làng mới cho thoải mái, ai giúp bên nào thì vào phe ấy. Thường thì bên Đông bao giờ cũng thắng vì có dân Cổ Mễ và Đẩu Hàn lên kéo giúp. Họ tin rằng năm đó lúa chiêm sẽ được mùa.
Trò kéo co kết thúc, làng Hữu Chấp tổ chức thi đốt pháo. Theo tục lệ, làng chuẩn bị một quả pháo đại treo lên cột tre lơ lửng giữa sân đình, trai đinh ở các giáp thi nhau đốt pháo tiểu ném lên quả pháo đại để cho pháo đại nổ. Người ta tin rằng ai ném cho pháo nổ sẽ được lộc. Nếu đến chiều tối mà pháo chưa nổ thì hai ông Đám bắc thang lên châm cho nổ.
Đặc biệt trong ngày mồng 4 tháng Giêng ở Hữu Chấp còn có các bọn Quan họ trong làng và các làng xung quanh góp vui. Trong ngày hội xưa bao giờ cũng có các bạn Quan họ Thanh Sơn, Cổ Mễ, Đẩu Hàn và Viêm Xá sang chơi hội. Sau khi lễ đình, lễ chùa xong, cứ từng tốp (một bọn nam và một bọn nữ) tự tản ra tìm chỗ thích hợp ở sân đình, sân chùa hát đối đáp với nhau đến tận chiều tối mới chia tay ra về. Còn các bọn Quan họ kết bạn với Quan họ Chắp được mời về nhà chứa hát canh đến đêm khuya mới thôi.
Tất cả các nghi thức và hoạt động hội kể trên chỉ diễn ra trong một ngày mồng 4 tháng Giêng nhưng dư âm của hội kéo co, hát Quan họ vẫn in đậm trong tâm trí người dân Hữu Chấp và khách thập phương. Nó chính là nét độc đáo nhất khi nói tới hội Chắp. Ngày nay, dân làng vẫn duy trì tục kéo co trong ngày lễ hội.

Vân Giang